Con số đáng kinh ngạc 18.000 tỷ USD - gần bằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của một năm - là số tiền mà Mỹ đã thu từ nước ngoài kể từ cuộc Đại khủng hoảng tài chính năm 2008.
Quan điểm cho rằng sự thống trị của đồng USD trong nền tài chính thế giới có thể chấm dứt chỉ cách đây 5 năm vẫn là quá xa vời. Nhưng lúc này, sự kết thúc của kỷ nguyên đô la đã được dự báo trong các báo cáo nghiên cứu của Goldman Sachs và Credit Suisse.
Việc Washington phong toả dự trữ ngoại hối của Nga dường như là hành động “gậy ông đập lưng ông” trong bối cảnh Mỹ ngày càng phụ thuộc quá lớn vào vay nợ nước ngoài. Điều nghịch lý là, sức mạnh của Mỹ lại nằm ở điểm yếu của họ: Việc đồng đô la Mỹ đột ngột chấm dứt vai trò hàng đầu trong nền tài chính thế giới sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế Mỹ, cũng như nền kinh tế của các đối tác thương mại.
Ngoài 18 nghìn tỷ USD đầu tư nước ngoài ròng vào Mỹ, người nước ngoài còn giữ khoảng 16 nghìn tỷ USD tiền gửi ngân hàng để phục vụ cho các giao dịch quốc tế. Tổng cộng là 34 nghìn tỷ USD vốn nước ngoài so với GDP chưa đến 23 nghìn tỷ USD của Mỹ. Người nước ngoài cũng tiếp cận rất nhiều với thị trường chứng khoán và bất động sản ở Mỹ.
Không ai muốn chạy đua chống lại đồng đôla Mỹ và tài sản đôla Mỹ. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương trên thế giới lúc này đang giảm tỷ lệ tiếp xúc với đồng đôla Mỹ, một cách thận trọng nhưng đều đặn, vững chắc.
Mặc dù vậy sự "nhỏ giọt" của nỗ lực đa dạng hoá, thoát khỏi USD có thể sẽ trở thành một cơn lũ. Điều mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 22/3 gọi là "sự xói mòn ngấm ngầm vị thế thống trị của đồng USD" đang định hình một lối thoát “không quá lén lút” khỏi "đồng bạc xanh".
Đáng chú ý, ngân hàng trung ương Nga đã cắt giảm tỷ trọng USD trong dự trữ của mình từ 21% một năm trước xuống chỉ còn 11% vào tháng 1, trong khi tăng tỷ trọng của đồng nhân dân tệ lên 17% từ 13% một năm trước. Ngân hàng trung ương Nga cũng đã mua nhiều vàng hơn bất kỳ tổ chức nào khác trong những năm gần đây.
Với việc Mỹ chỉ chiếm 8% khối lượng xuất khẩu của thế giới so với 15% của Trung Quốc, vai trò dự trữ của đồng USD không còn phản ánh sức mạnh kinh tế Mỹ. Ngược lại, nó bắt nguồn từ mong muốn tiết kiệm của phần còn lại trên thế giới.
Dân số của các quốc gia có thu nhập cao trên thế giới đang già đi nhanh chóng. Năm 2001, 28% dân số của họ từ 50 tuổi trở lên; đến năm 2040 tỷ lệ này đạt 45%. Dân số già thiên về tiết kiệm để nghỉ hưu. Người Đức và Nhật Bản tiết kiệm gần 30% GDP, người Trung Quốc tiết kiệm 44%; Người Mỹ chỉ tiết kiệm 18% GDP.
Trong 15 năm qua, người tiêu dùng Mỹ đã chi tiêu cho hàng hóa mỗi năm nhiều hơn khoảng một nghìn tỷ USD so với số tiền mà hàng xuất khẩu của Mỹ mang lại.
Sự bùng nổ tiêu dùng do nhập khẩu mạnh mẽ, đặc biệt là các thiết bị điện tử giá rẻ từ Trung Quốc và các nhà xuất khẩu châu Á khác đã thúc đẩy sự bùng nổ giải trí kỹ thuật số, làm tăng giá cổ phiếu của Apple, Microsoft, Google, Meta và các công ty công nghệ khác của Mỹ.
Sau đó, người nước ngoài lại đầu tư thu nhập từ xuất khẩu vào cổ phiếu công nghệ Mỹ, cũng như trái phiếu chính phủ, bất động sản, v.v.
Sự bùng nổ công nghệ hoá ra đã gây hại cho nền kinh tế Mỹ, nó khiến thanh thiếu niên Mỹ trở nên thụ động, nghiện điện thoại thông minh và mạng xã hội, đồng thời tạo ra mức định giá thị trường chứng khoán cao chưa từng có trước đây.
Kết quả là hình thành bong bóng lớn nhất trong lịch sử tài chính thế giới. Khi đại dịch COVID-19 đe dọa làm vỡ bong bóng này, Chính phủ Mỹ đã bổ sung thêm 6 nghìn tỷ USD kích thích kinh tế.
Điều đó đã kích thích trở lại bong bóng công nghệ, và giải thích tại sao vị thế đầu tư nước ngoài ròng của Mỹ giảm thêm 6 nghìn tỷ USD từ năm 2019 đến năm 2022, xuống mức âm 18 nghìn tỷ USD hiện tại (có nghĩa là đầu tư nước ngoài vào Mỹ cao hơn đầu tư của Mỹ ra nước ngoài 18 nghìn tỷ USD).
Quả bong bóng này khổng lồ đến nỗi cả thế giới đều có phần trong đó, và không một nền kinh tế lớn nào có thể tự giải thoát khỏi nó mà không chịu thiệt hại đáng kể.
Trung Quốc đang phải chịu các mức thuế trừng phạt và lệnh trừng phạt của Mỹ đối với nhập khẩu công nghệ, trong khi họ vận chuyển hơn 600 tỷ USD hàng hóa đến Mỹ mỗi năm - nhiều hơn gần 1/3 so với trước khi chính quyền Trump áp đặt thuế quan vào năm 2019. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn khuyến khích tiêu dùng trong nước nhiều hơn và tiết kiệm ít hơn nhưng không thể thuyết phục được người Trung Quốc. Do vậy, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ và tiết kiệm số tiền thu được.
Thế giới hoàn toàn có thể làm tốt nếu không có đồng USD để hỗ trợ thương mại. Ấn Độ và Nga có thể thanh toán giao dịch bằng đồng nội tệ của họ. Thặng dư thương mại của Nga với Ấn Độ sẽ được đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp Ấn Độ. Theo báo cáo, Ấn Độ đang chuẩn bị tăng xuất khẩu sang Nga thêm 2 tỷ USD mỗi năm, tăng 50% so với mức hiện tại.
Trong khi đó, Trung Quốc đang thanh toán tiền nhập khẩu dầu từ cả Nga và Saudi Arabia bằng đồng tiền của mình. Nhân dân tệ đã tăng giá so với USD hơn 12% kể từ tháng 9/2019 và tiếp tục cung cấp lợi suất thực tế cao hơn so với đồng đô la, cũng như một loạt cơ hội đầu tư, bất chấp việc Trung Quốc kiểm soát tỉ giá.