Nga nói AUKUS không thể là nền tảng an ninh châu Á-Thái Bình Dương

Người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết quan hệ đối tác ba bên giữa Australia, Anh và Mỹ (AUKUS) là hiệp ước hẹp, không có khả năng đóng vai trò nền tảng đảm bảo an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chú thích ảnh
Người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov. Ảnh: TASS

“Chúng tôi đang giám sát chặt chẽ tất cả tiến trình này”, hãng tin TASS dẫn lời ông Peskov khi được yêu cầu bình luận về khả năng gia nhập AUKUS của Nhật Bản. “Tuy nhiên, nếu xét về vị thế, mục tiêu và các nhiệm vụ, các liên minh kiểu này không thể mang lại nền tảng đảm bảo an ninh toàn diện. Rất khó có khả năng phát triển thành một nền tảng lớn để đảm bảo ổn định và an ninh cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương rộng lớn như vậy”, ông nói thêm.

Hôm 13/4, tờ Sankei Shimbun đưa tin Chính phủ Nhật Bản đã nhận được lời đề nghị không chính thức từ Mỹ, Anh và Australia tham gia vào quan hệ đối tác quốc phòng ba bên của AUKUS. Theo nhật báo này, ba đồng minh AUKUS muốn kết hợp khả năng công nghệ của Nhật Bản để phát triển vũ khí siêu vượt âm và tăng cường năng lực tác chiến điện tử. AUKUS cũng ky vọng vào tiềm lực của Nhật Bản trong các lĩnh vực công nghệ hiện đại như không gian mạng, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ lượng tử.

Tuy nhiên, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno sau đó đã khẳng định Tokyo không nhận được lời đề nghị tham gia AUKUS từ các bên liên quan. Ông Matsuno cho rằng thông tin mà tờ Sankei Shimbun của nước này đưa trước đó là không đúng sự thật.

Vào ngày 15/9/2021, Australia, Anh và Mỹ tuyên bố thành lập quan hệ đối tác an ninh ba bên mới - gọi là AUKUS. Theo đó, Australia sẽ đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với sự hỗ trợ của công nghệ Mỹ. Chiếc tàu đầu tiên dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2036.

Malaysia và Indonesia với tư cách là các quốc gia lớn nhất Đông Nam Á đã chỉ trích các kế hoạch này. Họ nhấn mạnh sẽ tiếp tục nỗ lực chung để duy trì tình trạng phi hạt nhân hóa của khu vực. Kuala Lumpur cũng cho rằng Australia cần phải nhận được sự cho phép đặc biệt để các tàu ngầm của họ ghé vào các cảng địa phương, hoặc tham gia các cuộc diễn tập ở các khu vực tiếp giáp lãnh hải.

Hải Vân/Báo Tin tức
Tuần dương hạm tên lửa của Nga hư hại nghiêm trọng sau vụ nổ lớn
Tuần dương hạm tên lửa của Nga hư hại nghiêm trọng sau vụ nổ lớn

Ngày 14/4, Bộ Quốc phòng Nga thông báo tàu tuần dương trang bị tên lửa mang tên Moskva của nước này đã bị hư hại nghiêm sau khi hỏa hoạn gây ra một vụ nổ kho đạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN