Vào những năm 1920 và 1930, hoạt động săn bắt cá voi dọc theo bờ biển Argentina và nhiều nơi khác đã khiến số lượng cá voi Sei sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhờ lệnh cấm săn bắt cá voi toàn cầu vì mục đích thương mại được áp dụng trong 50 năm qua, quần thể cá voi Sei cùng nhiều loài khác đã có cơ hội hồi sinh.
Ông Mariano Coscarella, nhà sinh vật học và chuyên gia nghiên cứu hệ sinh thái biển tại CONICET - cơ quan khoa học nhà nước Argentina, chia sẻ: "Cá voi Sei biến mất không phải do tuyệt chủng mà do bị săn bắt đến mức không ai nhìn thấy chúng nữa".
Ông Coscarella cho biết việc phục hồi số lượng cá voi Sei đến mức có thể nhìn thấy thường xuyên ngoài khơi Argentina có thể mất nhiều thập kỷ.
Ông cho biết cá voi Sei sinh sản 2 - 3 năm một lần, vì vậy phải mất gần 100 năm để số lượng của loài cá này tăng lên mức đáng kể để mọi người nhận ra sự hiện diện của chúng.
Tháng trước, nhóm nghiên cứu đã gắn thiết bị theo dõi qua vệ tinh lên một số cá voi Sei để lập bản đồ hành trình di cư của chúng. Họ đã ghi lại hình ảnh của những con cá voi này từ thuyền, máy bay không người lái và dưới nước.
Ông Coscarella khẳng định đây là minh chứng cho thành công của công tác bảo tồn trên quy mô toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh rằng lệnh cấm săn bắt cá voi toàn cầu đóng vai trò then chốt trong việc gia tăng số lượng cá voi Sei.