Tham dự buổi lễ có sự góp mặt của hơn 10.000 người từ nhiều nơi trên thế giới, cùng đại diện của chính phủ các nước Mỹ Latinh và châu Âu, lãnh đạo của nhiều nước trong khu vực và đại diện của nhiều tổ chức xã hội, cũng như người thân của "Che".
Người dân tại lễ tưởng niệm “Người du kích anh hùng” Che Guevara ở Vallegrande, miền nam Bolivia. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Bolivia Morales khẳng định "Che" Guevara chính là người thúc đẩy và là biểu tượng của cuộc đấu tranh chống đế quốc của các dân tộc Mỹ Latinh, đồng thời nhấn mạnh "50 năm sau, tên của 'Che', bằng chứng về cuộc đời ông và những tư tưởng của ông vẫn là ngọn cờ chống lại tất cả các hình thức áp bức và loại trừ xã hội".
Ông Morales cũng khẳng định thêm, cách tốt nhất để vinh danh "Che: chính là tiếp tục di sản chống đế quốc mà ông để lại. Tổng thống Morales cũng nhắc nhớ rằng nhóm du kích do "Che" Guevara lãnh đạo tại Bolivia năm 1967 không cấu thành một cuộc xâm lược tại đất nước Nam Mỹ như kẻ thù bôi nhọ, bởi trong 50 thành viên của nhóm thì có tới 26 người là người Bolivia, những người đấu tranh cùng "Che" để giải phóng cho đất nước. Ông khẳng định, "Che" đã chiến đấu và ngã xuống để giải phóng Bolivia, và nghĩ về "Tổ quốc lớn" châu Mỹ.
Lễ tưởng niệm chính thức trên là hoạt động cuối cùng trong chuỗi một loạt các hoạt động tưởng niệm 50 năm ngày mất của "Che" Guevara được bắt đầu từ ngày 5/10 tại Bolivia. Trước đó, Tổng thống Morales đã dẫn đầu một cuộc hành hương tới La Higuera, nơi người anh hùng Guevera và 35 đồng đội của mình đã ngã xuống, để đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm "Che".
Là một chiến sĩ cách mạng theo tinh thần chủ nghĩa quốc tế, "Che" Guevara đã từ bỏ một cuộc sống tiện nghi, rong ruổi nhiều quốc gia Mỹ Latinh để thấu hiểu những bất công, áp bức, nghèo đói mà nhân dân lao động phải gánh chịu và vun đắp lý tưởng cách mạng của mình. Sau đó, ông đã tham gia cuộc đấu tranh vũ trang cách mạng tại Cuba và trở thành một trong những nhà lãnh đạo của chính quyền cách mạng tại đảo quốc Caribê này.
Bà Aleida Guevara, con gái “Che” Guevara, Phó Chủ tịch Cuba Ramiro Valdes Menendez và Tổng thống Bolivia Evo Morales tại lễ tưởng niệm “Người du kích anh hùng” Che Guevara ở Vallegrande, miền nam Bolivia. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tiếp đó, ông chỉ huy một mặt trận tại Congo và tổ chức một đội quân du kích nhỏ gọn tại Bolivia trong các năm 1966-1967. Trong 11 tháng tại quốc gia Nam Mỹ này, ông đã sống và chiến đấu trong những điều kiện khổ cực nhất, bị thương, bị bắt và bị sát hại theo lệnh của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Tuy ra đi khi tuổi đời còn khá trẻ, "Che" đã trở thành một biểu tượng toàn cầu về tinh thần cách mạng cao thượng và quả cảm, xả thân bảo vệ công lý và những người chịu thiệt thòi trên thế giới, sẵn sàng chấp nhận gian khổ để theo đuổi và bảo vệ hoài bão, lý tưởng của mình. Tại Mỹ Latin, tư tưởng và sự nghiệp cách mạng của ông đã và đang trở thành sợi dây kết nối lực lượng tiến bộ giữa các nước và thúc đẩy quá trình hội nhập khu vực.