Ông Calica Ferrer tiếp các bạn Cuba và Việt Nam. |
Tất cả bắt đầu từ một cuộc gặp với một người bạn khác ở Buenos Aires, thủ đô có cái tên "Không khí Trong lành". Đó là nhà báo Roberto Molina của hãng Prensa Latina, người cách nay vài tháng còn là hiệu đính viên tiếng Tây Ban Nha cho Ban Biên tập tin Đối ngoại của TTXVN. Biết tôi sang Argentina du lịch, mặc dù đã xong chương trình làm việc của hãng PL tại Buenos Aires, ông bạn Roberto đã quyết định ở lại thêm một tuần để cùng tôi du ngoạn và kết hợp giải quyết thêm một số công việc riêng.
Buổi sáng đầu tiên sau khi đặt chân tới Buenos Aires, Roberto thông báo: Tối nay, tôi có một hoạt động mà chắc chắn Martin (tên tiếng Tây Ban Nha của tôi) sẽ muốn tham dự, đó là ăn cơm tối cùng với ông Carlos Calica Ferrer, người bạn của “Người du kích anh hùng” Che Guevara từ thủa thiếu thời. Như bắt được vàng, tôi gật đầu đồng ý, vì với tôi, một người từng học tập và làm việc nhiều năm ở Cuba, Che luôn luôn là một hình ảnh cao quý về khát vọng tự do và tinh thần quốc tế, người đã có câu nói để đời: “Cần tạo ra một, hai, ba và nhiều Việt Nam hơn nữa” trong khi đất nước chúng ta đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đầy ắp kỷ niệm về Che GuevaraRa đón chúng tôi trước cửa một chung cư cách văn phòng của TTXVN chừng 15 phút đi ô tô là một ông già 84 tuổi, tóc trắng, râu trắng mặc áo sơ mi màu xanh nhạt, quần kaki vàng, trên người khoác một chiếc áo ấm nhẹ màu xám, dáng vẻ rất nhanh nhẹn.
Bức ảnh Calica chụp chung với Che, người dán băng trên đầu. |
Ông vui vẻ dẫn chúng tôi lên "nhà" của mình. Đó là một căn hộ chừng 80 m2 rất ấm cúng. Bà Raquel, vợ của ông Calica, cùng cô con gái Candelaria, đã chờ sẵn trong nhà, ôm hôn từng người. Quây quần xung quanh một chiếc bàn nhỏ đã bày phô mai, salami, dăm-bông, quả ô-liu và rượu vang đỏ, hai ông Roberto và Calica trao đổi những lời thăm hỏi của hai người bạn lâu năm mới gặp lại (nhà báo Roberto từng công tác sáu năm tại Buenos Aires, đại diện cho hãng Prensa Latina) và giới thiệu các thành viên có mặt. Khi biết tôi là nhà báo về hưu, rất yêu quý Che Guevara và có ý định viết bài về tình bạn của chủ nhà với “El Che”, ông Calica nở một nụ cười rất tươi, gật đầu đồng ý.
- Tôi quen Ernesto Guevara từ lúc bốn tuổi, khi gia đình nhà Ernesto chuyển từ thành phố Rosario về Alta Garcia, nơi gia đình tôi đang ở. Đó là một vùng đồi núi khoáng đãng, để giúp Che chữa trị bệnh hen xuyễn, ông Calica mở đầu câu chuyện một cách trầm ngâm như đang sống lại với những ngày bên cạnh người bạn từ thủa thiếu thời… “Ernesto hơn tôi một tuổi. Chúng tôi lớn lên bên nhau một cách hồn nhiên. Mặc dù bị hen xuyễn, Che đã có phẩm chất của một 'thủ lĩnh' từ bé, khi luôn là người chủ trò các cuộc chơi và luôn quan tâm đến bè bạn. Che có một chiếc xe đạp và chúng tôi thường được Che cho mượn để đi lại. Tôi nhớ hồi lớp 5, do bị hen xuyễn, Ernesto phải nghỉ học tới 68 buổi. Ấy vậy mà Che vẫn học tốt. Cùng với Alberto Granado, tôi là một trong những người bạn thân nhất của Che hồi đó”.
- Và hai ông cũng là những người đã đi cùng Che Guevara trong hai chuyến đi các nước Mỹ Latinh khi đã là những thanh niên đầy khát vọng?
Cuốn sách “Từ Ernesto tới Che” của ông Calica Ferrer. |
- Đúng thế, nhưng chuyến đi đầu tiên, Ernesto đi cùng với Alberto, còn tôi ở nhà. Tôi chỉ tham gia vào chuyến đi thứ hai, khi tôi 24 tuổi, vừa học xong Bachiller, chưa có việc làm, chưa có một mục tiêu rõ ràng. Chuyến này Alberto không đi. Chuyện về chuyến đi qua Bolivia, Peru, Ecuador và mục tiêu cuối cùng là Venezuela thì rất dài. Tôi đã kể tất cả trong cuốn sách “De Ernesto al Che” (Từ Ernesto tới Che).
- Tên cuốn sách như vậy có ý nghĩa gì thưa ông?
- Thực ra, khi chúng tôi tiến hành chuyến đi, mục tiêu ban đầu chỉ là đến Venezuela để tìm công ăn việc làm, kiếm tiền để sau đó thực hiện giấc mơ đổi đời bằng việc một ngày nào đó đến được Paris, thủ đô của nước Pháp. Nhưng những gì xảy ra trong hai chuyến đi, khi chứng kiến cuộc sống nghèo khổ của những người dân ở các nước Mỹ Latinh và sự bóc lột của bọn thực dân, đã làm thay đổi nhận thức và mục tiêu của Ernesto. Cuốn sách của tôi không chỉ kể về chuyến đi mà thực chất nói về quá trình giác ngộ của Che Guevara, từ một thanh niên mới lớn, từ bỏ giấc mộng làm giàu, để đến với con đường cách mạng, giải phóng các dân tộc.
Nói đến đây, ông Calica ngừng lại một chút, vào trong nhà đem ra một số kỷ vật với người bạn thời niên thiếu, trong đó có những bức ảnh đen trắng hai người chụp cùng nhau, có cả ảnh Ernesto bị dán băng trên đầu. Rồi ông nói say sưa về ảnh hưởng của Che Guevara với các cuộc cách mạng ở Mỹ Latinh, về các cuộc gặp của ông với các nhân vật nổi tiếng của châu lục nhờ mối quan hệ thân tình của ông với Che Guevara, như với Chủ tịch Cuba Fidel Castro, các Tổng thống Hugo Chavez (Venezuela), Rafael Correa (Ecuador), Evo Morales (Bolivia), Daniel Ortega (Nicaragua), Mujica (Urugoay), Lula Da Silva (Brazil).
- Che Guevara đóng một vai trò cơ bản trong sự thức tỉnh của quá trình dân chủ ở Mỹ Latinh. Ông cũng là một phần quan trọng của cách mạng Cuba, ngọn đèn pha của phong trào giải phóng dân tộc của khu vực. Nhờ vậy mà chúng ta đang đi đến một tương lai tốt đẹp hơn, ông Calica nhận xét khi tôi hỏi về ảnh hưởng của “Người du kích anh hùng” tới sự nghiệp cách mạng ở châu lục này.
Bác Hồ và Tướng Giáp trong lòng những người bạn Mỹ LatinhNói đến đây, ông Calica đứng dậy, chậm rãi vào trong nhà, trong tay cầm một cuốn sách đi ra và thủng thẳng nói: Tôi có một bất ngờ dành cho các bạn Việt Nam đây. Rồi ông đưa cho chúng tôi xem cuốn sách: Chiến tranh Nhân dân, Quân đội Nhân dân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bản được dịch ra tiếng Tây Ban Nha, một cuốn sách gối đầu giường của nhiều tổ chức cánh tả Mỹ Latinh trong nhiều năm qua. Nhưng tuyệt hơn nữa là lời tựa của cuốn sách này là do chính Che Guevara viết. Ông Calica giữ cuốn sách này như một báu vật, cùng với cuốn sách của ông: “Từ Ernesto tới Che Guevara”.
Có một chi tiết thú vị mà nhà báo Phạm Lợi của TTXVN đã cho tôi biết trong quá trình thực hiện bài báo này là lời tựa do “Tư lệnh” Che Guevara viết đã được anh Nguyễn Đình Bin (sau này là Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), lúc đó đi theo Đại tướng trong chuyến thăm Cuba năm 1975, dịch ra tiếng Việt chỉ trong một đêm để Đại tướng đọc và đã được phân xã La Habana phản ánh trong tin về hoạt động của đoàn tại Cuba. Sau khi đọc xong lời tựa, đại tướng đã viết một bức thư “Gửi Che Guevara”.
Xem cuốn sách “Chiến tranh Nhân dân, Quân Đội Nhân dân” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được dịch ra tiếng Tây Ban Nha do ông Calica khoe. |
Cuộc nói chuyện chuyển từ Che và tướng Giáp sang Chủ tịch Hồ Chí Minh, người mà tất cả những người có mặt đều nhắc đến cái “Bác Hồ”. Bà Maria, vợ của nhà báo Roberto Molina, một nhân viên lâu năm của Liên hợp Quốc, hào hứng kể với vợ chồng chủ nhà về những gì được đọc về “Tio Hồ”trong thời gian cả hai ở Việt Nam.
- Tôi đã đọc rất nhiều các bài viết của Bác Hồ. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lãnh tụ vĩ đại, nhưng những gì chủ tịch viết và nói với người dân thật dễ hiểu, giản dị và chân thành. Người nói có ba loại giặc phải chống lúc nhân dân Việt Nam vừa giành độc lập từ tay thực dân Pháp, đó là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Vấn đề thật lớn nhưng được diễn giải dễ hiểu đến thế là cùng.
Nhà báo Roberto Molina nói thêm: Chủ tịch Hồ Chí Minh biết rất nhiều ngoại ngữ, viết sách báo bằng tiếng Pháp, làm thơ bằng tiếng Trung, biết tiếng Nga, tiếng Tây Ban Nha nhưng cuộc sống lại rất giản dị. Và khi tôi cho biết phần viết về đời tư của Bác Hồ trong Di chúc của mình có đúng 79 từ, bằng đúng tuổi thọ của Bác, thì mọi người đều rất xúc động trước sự uyên thâm của Tio Hô.
Cứ thế, cuộc nói chuyện giữa những người bạn Argentina, Cuba và Việt Nam cùng chí hướng tưởng như không dứt. Ra về vào lúc nửa đêm, ngoài trời gió lạnh đang thổi mạnh, nhưng trong lòng chúng tôi đều cảm thấy ấm áp. Đêm ấy, Buenos Aires thật đẹp.