Kỳ 2: Bức ảnh nổi tiếng nhất trong lịch sử
Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Che để lại rất nhiều tấm ảnh, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là tác phẩm "Người du kích anh hùng" (Guerrillero heroico) do nhà nhiếp ảnh Cuba Alberto Korda ghi lại đầu tháng 3 năm 1960 khi Che tham dự lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ đánh bom khủng bố vào chiếc tàu Coubre ở cảng La Habana làm hơn 100 người chết. Bức ảnh chụp Che với đôi mắt cương nghị, đầy thách thức, mái tóc dài không chải, bộ râu quai nón đặc trưng của những người du kích và chiếc mũ beret đính ngôi sao mà Fidel đã trao cho khi ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh chỉ huy một cánh quân trong thời kì ở chiến khu Sierra Maestra. Đó là một khoảnh khắc xuất thần, có một không hai, không bao giờ lặp lại. Các nhà phân tích nghệ thuật cho rằng bức ảnh rất đẹp, đúng phong cách Che, và rất truyền cảm.
Theo một số nhà nghiên cứu chuyên theo dõi về tiểu sử của ông, Che bắt đầu đội mũ beret vào thời kì cuối của cuộc chiến tranh giải phóng. Trước đó ông vẫn đội chiếc mũ do Ciro Redondo, một đồng đội của ông đã hy sinh để lại. Che rất nâng niu kỉ vật của bạn mình, song sau một thời gian dài chinh chiến, nó đã rách nát và ông chuyển sang đội mũ beret. Chiếc mũ ấy giờ đây đang được đặt bên cạnh chiếc mũ kiểu chăn bò của Tư lệnh Camilo Cienfuegos tại Bảo tàng Cách mạng ở La Habana, mặc dù trên thực tế, Che có hơn một chiếc mũ loại này. Một chiếc mũ beret khác của Che đã bị quân lính Bolivia lấy mất, trong khi chiếc đồng hồ đeo tay của ông lọt vào tay điệp viên CIA Felix Rodriguez sau khi ông bị bắt và bị thủ tiêu ở Bolivia tháng 10/1967.
Trở lại với bức ảnh của Korda. Tác phẩm bất hủ này đã được truyền bá một cách lặng lẽ, dường như theo một ý nguyện huyền bí nào đó. Thoạt đầu, nó được in trên báo "Revolucion" của Cuba nhân dịp một hội nghị về công nghiệp tổ chức năm 1961 do Che Guevara khi ấy làm Bộ trưởng chủ trì. Bản gốc bức ảnh được Korda treo ở phòng làm việc cho đến năm 1967, khi ông tặng hai bản cho nhà kinh doanh xuất bản cánh tả Italia, Giangiacomo Feltrinelli, và ông này đã sử dụng để in một tấm áp phích được sử dụng rộng rãi ở châu Âu trong các cuộc biểu tình hồi năm 1968 sau khi Che hy sinh. Cần nói thêm rằng Giangiacomo Feltrinelli là người đầu tiên in cuốn bác sĩ Zhivago ở phương Tây và đã qua đời trong một vụ nổ xe bom năm 1972. Cùng thời gian ấy, tờ Paris Match của Pháp không biết bằng cách nào đó đã kiếm được một tấm, và sau này đã đăng kèm theo bài báo nhan đề "Che Guevara- Ông ta đang ở đâu?", xuất bản năm 1967. Ở bìa một số báo này có tấm ảnh đám đông đang tập trung tại Quảng trường Cách mạng, trong đó rất nhiều người mang theo biểu ngữ có tấm hình Chê do Korda chụp.
Quả thật, bức ảnh của Korda sau khi chào đời đã có số phận riêng của nó. Cùng với sự quảng bá của Feltrinelli, ngay sau khi Chê hy sinh tháng 10/1967 tại Bôlivia, bức ảnh đã được nhân bản trên khắp thế giới, trở thành tác phẩm được in lại nhiều nhất trong lịch sử. Viện Nghệ thuật Maryland (Mỹ) đánh giá đây là tấm ảnh nổi tiếng nhất, và là một biểu tượng của thế kỉ 20". Nó được phóng tác, in lại trên nhiều sản phẩm với kích cỡ khác nhau. Tuy nhiên, lớn nhất vấn là bức hình bằng kim loại, nặng bảy tấn, cao bằng 5 tầng bức tường toà nhà Bộ Nội vụ bên Quảng trường Cách mạng, nơi hàng chục năm nay vẫn diễn ra các cuộc mít tinh quần chúng, dường như để nhắc nhở rằng Che vẫn sống, vẫn ở bên cạnh người dân Cuba....
Sinh ở La Habana, cùng tuổi với Che, từ trẻ Korda đã làm nhiều nghề trước khi trở thành một trợ lí nhiếp ảnh thời trang. Ông đến với nghệ thuật này với lí do đơn giản như có lần ông thổ lộ: "Mục tiêu chủ yếu của tôi là để gặp phụ nữ. Tôi muốn ở gần các cô gái trẻ đẹp". Và Korda đã chinh phục được Niurka, người mẫu nổi tiếng nhất hồi trước cách mạng. Mặc dù tác phẩm của ông được sử dụng nhiều như vậy, song Korda không hề nhận được một khoản thù lao nhuận ảnh nào. Ông Feltrinelli đã sử dụng tấm ảnh này mà không xin phép và thậm chí cũng không ghi tên tác giả. Dù sao, Korda cũng không có cách nào để kiện cho đến khi Cuba chính thức tham gia Công ước quốc tế về tác quyền năm 1997. Cuối cùng, bất bình trước việc hình ảnh Che xuất hiện trên các panô quảng cáo rượu Smirnoff và Borda, Korda đã nhờ Chiến dịch đoàn kết với Cuba khởi kiện công ty quảng cáo Lowe Lintas và thư viện ảnh Rex Features vì vi phạm bản quyền. Một sự trùng hợp thú vị, đúng vào dip sinh nhật lần thứ 70, Korda nhận được tin về một thoả thuận dàn xếp ngoài toà án khi ông tới dự một triển lãm ảnh tại Luân Đôn. Ông lập tức dành một khoản tiền để mua thuốc tặng trẻ em Cuba. Bản thân gia đình Che Guevara cũng bắt đầu kiện các công ty sử dụng hình ảnh và tên của Che mà không được phép. Một trung tâm theo dõi việc sử dụng tên và hình ảnh của Che đã được thành lập. Năm người con của Che noi theo gương cha và phấn đấu giữ gìn sự trong sáng trong truyền thống gia đình. Vợ ông, bà Aleida March, hiện là Giám đốc trung tâm Chê Guevara ở La Habana.
Là người thích uống rượu rum và hút xì gà, Korda có nhiều kỉ niệm về Che. Ông bảo: "Một lần tôi được phân công đi chụp ảnh Che đang chặt mía cùng với nhân dân. Che bắt tôi phải chặt mía một tuần rồi mới cho phép tôi chụp một tấm ảnh. Che nghiêm khắc như thế đấy".
Korda qua đời sau một cơn đau tim năm 2001 tại Pari khi dự một triển lãm ảnh, thọ 72 tuổi.. Một trong những câu nói cuối cùng của ông vẫn được người ta ghi lại: "Cuộc đời có thể đã không cho tôi nhiều của cải bằng tiền bạc, nhưng đã cho tôi một nguồn của cải thậm chí còn lớn hơn, đó là trở thành một nhân vật trong lịch sử nhiếp ảnh".
Bùi Ngọc Hải (Tổng hợp)
Phần 3: Đôi tay và cuốn nhật ký