Che Guevara - Phần cuối: “Hãy tạo ra hai, ba... nhiều Việt Nam”

 Phần cuối: “Hãy tạo ra hai, ba... nhiều Việt Nam”


Ở Mỹ Latinh người ta gọi Ernesto Che Guevara là “Người du kích anh hùng”. Tên tuổi và sự nghiệp của ông được lưu truyền như một huyền thoại, hình ảnh của ông sống mãi trong lòng hàng triệu chiến sĩ đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, vì hòa bình, tự do và công lý trên thế giới.


Với nhân dân Việt Nam, Che nổi tiếng với thông điệp lịch sử gửi tới những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới tháng 4/1966: “Dân tộc Việt Nam thật kiên cường và dũng cảm! Hãy tạo ra hai, ba... nhiều Việt Nam. Đó là khẩu hiệu đấu tranh!”. Thập kỷ 1960 là những năm tháng đầy sôi động khi cả thế giới nín thở theo dõi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, tình cảm đoàn kết chiến đấu mà Che đã dành cho Việt Nam thật là sâu nặng và vô cùng quý báu.


Cán bộ Việt Nam và Cuba thăm tượng đài Che Guevara tại thành phố Santa Clara, miền trung Cuba.


Giống như mọi thiên anh hùng ca khác, câu chuyện về vị bác sĩ người Áchentina từ bỏ sự nghiệp và xa Tổ quốc mình để theo đuổi lý tưởng đấu tranh giải phóng, chống áp bức và đói nghèo bắt đầu bằng một cuộc hành trình qua nhiều nước Mỹ Latinh. Năm 1955, Che gặp Fidel Castro tại Mêhicô và sau đó đã tự nguyện tham gia vào đội quân cách mạng. Năm 1956, dưới sự chỉ huy của Fidel, Che cùng với 82 chiến sĩ, trên con tàu Granma vượt biển Caribê và đổ bộ lên đất liền Cuba, tiến hành cuộc cách mạng lịch sử. Sau hơn 2 năm gây dựng lực lượng tại chiến khu Sierra Maestra và tiến hành chiến tranh du kích, ngày 1/1/1959, đội quân cách mạng đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình, lật đổ chế độ độc tài Batista ở Cuba, xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở Tây bán cầu.


Sau khi cách mạng Cuba thành công, Che cũng đã đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước xã hội chủ nghĩa. Năm 1965, sau gần 10 năm cống hiến cho cách mạng Cuba, với quyết tâm giải phóng hoàn toàn Mỹ Latinh và châu Phi ra khỏi gông cùm và bóc lột của chủ nghĩa đế quốc, Che xin thôi các chức vụ quan trọng trong chính phủ, rời Cuba và tự nguyện đến Cônggô làm nghĩa vụ quốc tế. Năm 1966, Che đến Bôlivia để bắt đầu phong trào du kích mới với ý định tạo ra “hai, ba, nhiều Việt Nam” nữa ở Mỹ Latinh.


Tình cảm sâu sắc mà Che dành cho Việt Nam đã có từ năm 1954, khi những tin vui thắng trận lừng lẫy năm châu của chiến dịch Điện Biên Phủ đã đem lại cho ông niềm tin thắng lợi vào cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc bị áp bức. Che tìm đọc tác phẩm “Chiến tranh nhân dân, quân đội nhân dân” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và coi đó là một kim chỉ nam để xây dựng các lực lượng du kích trong suốt chặng đường đấu tranh vì tự do và công bằng của nhân dân Mỹ Latinh. Chính Che cũng là người đã viết lời tựa cho cuốn sách này khi được xuất bản rộng rãi ở Tây bán cầu bằng tiếng Tây Ban Nha.


Cùng với Chủ tịch Fidel, Che thành lập Ủy ban Cuba Đoàn kết với Việt Nam. Phát biểu tại lễ ra mắt ủy ban, Che nói: “Chúng ta chào mừng nhân dân miền Nam Việt Nam như người anh em chiến đấu, như người đồng chí gương mẫu trong giai đoạn lịch sử thế giới khó khăn hiện nay. Dù đế quốc Mỹ có dùng phương tiện chiến tranh gì thì thắng lợi vẫn sẽ là giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước Việt Nam... Chúng ta biết chắc chắn là nhân dân Việt Nam nhất định sẽ giành được tự do hoàn toàn”.


Với niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi của sự nghiệp chính nghĩa giải phóng đất nước của dân tộc Việt Nam, Che luôn dành cho nhân dân ta sự ủng hộ kiên quyết, mạnh mẽ và vô tư, đồng thời động viên các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới ủng hộ nhân dân ta. Trước khi lên đường tới Bôlivia, nơi ông đã hy sinh anh dũng tháng 10/1967, Che đã viết: “ Cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam đã mang lại cho toàn thế giới một bài học thật vĩ đại! Việt Nam đã dạy cho chúng ta một bài học bất hủ về chủ nghĩa anh hùng... Trước mắt, chúng ta sẽ là một tương lai xán lạn và gần gũi như thế nào nếu hai, ba... nhiều Việt Nam nở hoa trên thế giới”.


Hơn 40 năm đã trôi qua kể từ ngày Che ngã xuống tại Bôlivia, hình ảnh người du kích anh hùng vẫn còn sống mãi trong ký ức chúng ta. Che có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới, ở Cuba, Áchentina, Chilê, Bôlivia, Mêhicô, Pháp, Tây Ban Nha, Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản... và kể cả ở Mỹ, nước đã áp đặt chính sách cấm vận hà khắc với Cuba gần nửa thế kỷ qua. Che nhìn chúng ta từ tách cà phê và trên áp phích, trong tiếng leng keng của xâu chìa khóa, trên các hình graffiti và hình xăm của các cầu thủ bóng đá, Che xuất hiện bất thần trong các bài nhạc rock, opera và các cuộc triển lãm nghệ thuật. Trong những ngày này tại Cuba, bất chấp cái nắng gay gắt của xứ sở quanh năm là hè, đi đến đâu tôi cũng thấy không khí sôi động của các hoạt động lao động tình nguyện, phong trào do Che khởi xướng sau khi cách mạng Cuba thành công. Tôi lại nhớ tới mấy câu thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết về Che:


“Tôi hình dung mắt Chê lấp lánh điều chi

Ôi đôi mắt có tận cùng ánh sáng

Của tình yêu và trang sách Mác xanh tươi

Tôi hình dung Chê đứng trước cuộc đời

Mười họng súng kẻ thù giương tận ngực

Tì tay lên cái chết làm diễn đàn

“Hãy nhớ lấy lời tôi” - Chê kêu gọi

“Nhân loại cần nhiều Việt Nam cho nhân loại!”



Diệu Hương (P/v TTXVN tại Cuba)

Che Guevara - người anh hùng huyền thoại - Phần 5: Di sản
Che Guevara - người anh hùng huyền thoại - Phần 5: Di sản

Hiện tượng Che Guevara phải đặt trong bối cảnh của khu vực Mỹ Latinh. Sự tương đồng về nguồn gốc ngôn ngữ, văn hoá, lịch sử luôn là yếu tố gắn kết các nước trong khu vực và là nền tảng của chủ nghĩa quốc tế xuyên suốt trong tư tưởng và hành động của Che.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN