“Chính sách răn đe hạt nhân của Nga mang tính phòng thủ nghiêm ngặt. Học thuyết sử dụng vũ khí hạt nhân rõ ràng sẽ bị giới hạn ở những trường hợp đặc biệt trong khuôn khổ các mục đích phòng thủ nghiêm ngặt”, hãng thông tấn TASS dẫn lời bà Zakharova.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cũng khẳng định rằng Moskva hoàn toàn cam kết tuân thủ nguyên tắc không thể chấp nhận xung đột hạt nhân.
“Sẽ không thể có bên nào chiến thắng trong cuộc xung đột hạt nhân. Cuộc xung đột này không nên xảy ra. Chúng tôi liên tục kêu gọi tất cả các bên tham gia tuyên bố chung của 5 cường quốc hạt nhân về ngăn chặn chiến tranh hạt nhân và không chấp nhận chạy đua vũ trang nhằm tuân thủ các cam kết này”, bà Zakharova nhấn mạnh.
Đồng thời, trong cuộc họp báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga cũng không loại trừ khả năng Moskva có thể đảo ngược quyết định đình chỉ Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí chiến lược Mới (New START) - thỏa thuận kiểm soát hạt nhân cuối cùng giữa Moskva và Washington. Bà Zakharova nói rằng trường hợp này chỉ xảy ra khi Washington thể hiện ý chí chính trị và nỗ lực xoa dịu căng thẳng, xuống thang và tạo điều kiện để nối lại hoạt động đầy đủ của hiệp ước trên.
Hồi tháng 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moskva sẽ tạm dừng tham gia New START, nhưng không hoàn toàn rút khỏi hiệp ước này. Ông Putin nhấn mạnh trước khi có thể quay lại thảo luận về hoạt động tiếp theo của hiệp ước này, Nga mong muốn các tài liệu sẽ tính đến cả kho vũ khí không chỉ của Mỹ, mà còn của các cường quốc hạt nhân NATO khác – như Anh và Pháp. Ngày 1/3, ông Putin đã ký ban hành luật đình chỉ tham gia hiệp ước này.
Trong động thái đáp trả mới nhất, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo khẳng định, từ ngày 1/6/2023, Washington sẽ chấm dứt thực hiện các thông báo cho Nga theo qui định của hiệp ước, bao gồm việc cập nhật về tình trạng hoặc vị trí của tên lửa và bệ phóng nằm trong danh sách kiểm soát, cũng như cả những thông tin từ xa về các vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.
Chính phủ Mỹ cho biết lý do dẫn tới quyết định trên là vì phía Nga đã từ chối tổ chức 18 cuộc thanh sát mỗi năm; không tham gia các cuộc họp của Ủy ban Tư vấn Song phương (BCC), cũng như từ chối nghĩa vụ cung cấp các thông báo và dữ liệu cần thiết theo Hiệp ước New START.