Biểu tình tại Mỹ ngày thứ 9: Phản kháng tiếp diễn, Tổng thống Trump bị công kích mạnh mẽ

Các cuộc biểu tình tại Mỹ tiếp tục kéo dài sang tối ngày 3/6 (giờ Mỹ), đánh dấu ngày bất ổn thứ 9 liên tiếp.

Chú thích ảnh
Người biểu tình tuần hành trên đại lộ Pennsylvania ở thủ đô Washington DC. Ảnh Getty Images

Người biểu tình tập hợp và tuần hành quy mô lớn ở San Francisco trong buổi tối. Còn tại Nam Minneapolis, đám đông người biểu tình thực hiện màn nhảy dân vũ (flashmob), bày tỏ phản kháng trước vụ George Floyd bị cảnh sát giết hại. 

Tại bang Washington, hàng trăm người tuần hành đã tụ tập tại Tòa thị chính Seattle, kêu gọi thị trưởng tham gia biểu tình. Các cuộc tuần hành quy mô hàng trăm người cũng diễn ra ở Little Rock, bang Arkansas.

Tại thủ đô Washington D.C., đám đông hàng trăm người đã tuần hành tới Trụ sở Quốc hội Mỹ và di chuyển sang khách sạn Trump International, hô vang khẩu hiệu “black lives matter" (mạng sống người da đen cũng quý giá). Người biểu tình sau đó quỳ trên đường phố. 

Ở thành phố New York, người biểu tình đã tuần hành trong nhiều giờ, từ Crown Heights tới Greenpoint. Cảnh sát cho biết, số người biểu tình bị bắt giữ và số vụ cướp bóc tại thành phố đã giảm sau khi chính quyền áp đặt thời hạn giới nghiêm với khung giờ sớm hơn. Cảnh sát New York giải tán “quyết liệt” đoàn người biểu tình tụ tập ở Brooklyn và Manhattan lúc 8 giờ tối, thời điểm bắt đầu giới nghiêm. 

Các quan chức, cựu quan chức trong chính quyền Mỹ bày tỏ phản đối với cách thức xử lý bất ổn của Tổng thống Trump. 

Trong tuyên bố được đưa trên tạp chí Atlantic, Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis chỉ trích ông Trump, coi ông là mối đe dọa đối với hiến pháp nước Mỹ. Theo tướng Mattis, ông Trump là tổng thống không nỗ lực đoàn kết người Mỹ, thậm chí không có ý làm vậy; thay vào đó chỉ tìm cách chia rẽ đất nước. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phản đối việc điều chuyển lực lượng quân sự để trấn áp biểu tình, vì điều này gây xói mòn nền tảng đạo đức của quân đội Mỹ. 

Cựu Tổng thống Barack Obama trong lần đầu tiên xuất hiện trên truyền thông kể từ sau vụ George Floyd bị sát hại đã kêu gọi tất cả các thị trưởng rà soát lại chính sách xử dụng vũ lực và cam kết cải tổ lực lượng cảnh sát. Ông Obama cũng ca ngợi ca những thanh niên da màu, số đã xuống đường biểu tình để thể hiện phản kháng, mong muốn tạo ra sự khác biệt. 

Chú thích ảnh
Bộ Trưởng Quốc phòng Mark Esper phản đối việc điều động quân đội đi dẹp biểu tình
tại các bang, thành phố. Ảnh: AP

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đưa ra tuyên bố gây sốc đối với Nhà Trắng. Phát biểu tại cuộc họp báo, ông bày tỏ quan điểm không ủng hộ việc kích hoạt Đạo luật Chống bạo loạn – tiền đề để tổng thống đưa ra quyết định phái lực lượng quân sự thường trực tới dẹp biểu tình ở các bang, thành phố.

Theo ông Esper, việc sử dụng quân đội trong thực thi luật luật pháp chỉ là giải pháp cuối cùng, chỉ áp dụng với trường hợp khẩn cấp và trong những tình huống hiểm nghèo, mà “nước Mỹ hiện vẫn chưa ở vào bất cứ tình cảnh nào như trên”. 

Liên quan đến phản ứng của chính quyền, Công tố viên trưởng bang Minnesota, ông Keith Ellison đã đưa ra cáo trạng nhằm vào cựu sĩ quan cảnh sát trực tiếp ghì cổ Floyd và ba cựu cảnh sát khác có mặt tại hiện trường, liên quan đến vụ việc. 

Về phần mình, trên tài khoản mạng xã hội Twitter, ông Trump lên tiếng đả kích tướng Mattis. Ông nói rằng tiếng tăm của tướng Mattis đã bị thổi phồng quá mức. Ông Trump khẳng định cá nhân ông đã yêu cầu ông Mattis nộp đơn từ chức và giờ cảm thấy hài lòng vì quyết định này. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức
Bộ trưởng Quốc phòng ​Mỹ phản đối sử dụng Luật Chống bạo động để trấn áp người biểu tình
Bộ trưởng Quốc phòng ​Mỹ phản đối sử dụng Luật Chống bạo động để trấn áp người biểu tình

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 3/6 khẳng định phản đối việc viện dẫn một đạo luật hiếm được áp dụng nhằm triển khai quân đội Mỹ để ứng phó với các cuộc biểu tình bạo loạn trên cả nước sau vụ công dân Mỹ gốc Phi George Floyd tử vong tại sở cảnh sát Minneapolis.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN