Cho đến nay, liên minh OPEC+ do Saudi Arabia và Nga dẫn đầu vẫn phản đối lời kêu gọi tăng sản lượng để kiềm chế giá năng lượng đang tăng cao.
Sự xuất hiện của biến thể COVID-19 mới đã làm phức tạp thêm tình hình dịch bệnh, dẫn đến việc các quốc gia khôi phục lệnh cấm đi lại cũng như cân nhắc kiểm soát chặt chẽ hơn nữa. Động thái này có thể thắt chặt nhu cầu tiêu thụ và ảnh hưởng đến giá dầu.
Theo hãng thông tấn AFP, 13 thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và 10 nước đối tác gặp mặt trực tuyến vào lúc 13h00 GMT ngày 2/11 để thảo luận về sản lượng khai thác dầu.
Giới phân tích dự đoán liên minh này sẽ quyết định ngừng kế hoạch tăng nhẹ sản lượng 400.000 thùng/ngày như đã thực hiện từ tháng 5/2021.
“Sự xuất hiện của biến thể Omicron và các đợt bán tháo làm tăng tỷ lệ đặt cược rằng OPEC+ sẽ tạm dừng mức tăng sản lượng 400 thùng/ngày mỗi tháng theo kế hoạch”, chuyên gia Helima Croft tại RBC Capital Markets đánh giá.
Chuyên gia Carsten Fritsch tại ngân hàng Commerzbank nhận định: “Thị trường không thể hấp thụ lượng dầu bổ sung này, và dẫn đến dư thừa trong quý I/2022”.
Cuộc họp của OPEC+ diễn ra trong bối cảnh Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản quyết mở kho dự trữ chiến lược của họ để giúp giá dầu thô hạ nhiệt, sau khi việc giá cả tăng vọt làm suy yếu phục hồi kinh tế.
Nhưng việc phát hiện ra biến thể mới vào tuần trước đã khiến giá dầu thô giảm hơn 10%. Đây là đợt giảm giá đầu tiên kể từ đợt kỷ lục vào tháng 4/2020, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu ảnh hưởng nặng nề đối với nhu cầu đi lại trên khắp thế giới. Giá dầu hiện dao động quanh mức 70 USD/thùng.
Bộ trưởng năng lượng các nước OPEC - những người luôn mong muốn duy trì mức giá dầu hiện tại - vẫn chưa đưa ra động thái rõ ràng.
Bộ trưởng Dầu mỏ Angola Diamantino Azevedo cho biết: “Trong giai đoạn không chắc chắn này, chúng ta cần phải thận trọng trong cách tiếp cận và sẵn sàng phản ứng với các điều kiện thị trường”.
Trong khi đó, Washington đã kêu gọi nhóm OPEC mở rộng sản xuất. Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế Fatih Birol hôm 30/11 cho biết ông hy vọng OPEC+ sẽ tiếp tục chính sách tăng sản lượng hiện tại của họ.
OPEC+ đã cắt giảm mạnh sản lượng vào năm ngoái khi đại dịch bùng phát cùng với các biện pháp kiểm soát virus liên khiến nhu cầu tiêu thụ năng lượng giảm.