Theo kênh CNBC, ông Per Hong, đối tác cấp cao tại công ty tư vấn Kearney, nhận định biến thể Omicron là một bài kiểm tra nữa về sức chịu đựng của các chuỗi cung vốn đã rất căng thẳng.
Bà Sian Fenner, nhà kinh tế châu Á hàng đầu tại Oxford Economics nhận định ngày 1/12: “Chuỗi cung vẫn còn dễ bị tổn thương trước các gián đoạn liên quan đại dịch. Biến thể Omicron cho thấy cuộc khủng hoảng chưa kết thúc”.
Tuần trước, thế giới lần đầu biết tới biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 sau khi các nhà khoa học Nam Phi cảnh báo. Tổ chức Y tế Thế giới coi Omicron là biến thể đáng lo ngại và cảnh báo nó có thể lan rộng, trở thành rủi ro rất cao với toàn cầu.
Từ đó, Omicron đã xuất hiện trong các ca COVID-19 ở nhiều quốc gia khắp thế giới.
Tác động dây chuyền của lệnh phong tỏa
Mặc dù chưa có ca mắc Omicron nào ở Trung Quốc đại lục nhưng chuyên gia Per Hong cho biết ông đang theo dõi chặt chẽ phản ứng của Chính phủ Trung Quốc sau khi có ca mắc ở Đặc khu Hành chính Hong Kong.
Ông Hong nói: “Dự báo Trung Quốc sẽ càng quyết tâm hơn với chính sách ‘zero-COVID-19’, chính sách khiến nước này từng phong tỏa hàng loạt thành phố, cách ly bắt buộc, kiểm tra nghiêm ngặt tại các cảng, giám sát tàu và hàng để ngăn chặn ca mắc xâm nhập”.
Các nhà phân tích khác cũng cảnh báo rằng Trung Quốc có thể tăng cường các biện pháp “zero- COVID-19” khi biến thể Omicron xuất hiện.
Tình trạng gián đoạn do đại dịch COVID-19 gây ra ở giai đoạn trước đó đã cho thấy các biện pháp phong tỏa ở một quốc gia có tác động dây chuyền trong mọi lĩnh vực khác. Theo ông Hong, nếu điều này xảy ra, không chỉ ngành vận tải biển bị tắc nghẽn mà chắc chắn sẽ có thiếu hụt nhiều mặt hàng chủ chốt trong ngành sản xuất, gây ra nghẽn đơn hàng với các sản phẩm tiêu dùng, ô tô, điện tử.
Một số cảng đông đúc nhất thế giới đều năm ở Trung Quốc. Trong 10 cảng đông đúc hàng đầu, có tới 7 cảng ở Trung Quốc. Thượng Hải xếp đầu tiên.
Theo ông Hong, mặc dù còn nhiều điều chưa biết về Omicron nhưng biến thể này chắc chắn đang là một thử thách với sức chịu đựng của chuỗi cung toàn cầu vốn đã căng thẳng và đang trong quá trình phục hồi kéo dài.
Có thể tác động tới phục hồi xuất khẩu khu vực
Các chuỗi cung khắp nơi đã bị tác động mạnh do có nhiều thứ gây tình trạng gián đoạn hàng loạt năm nay như thiếu hụt vỏ container hay lũ lụt, phong tỏa cảng do COVID-19. Khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc và châu Âu cũng tác động mạnh tới ngành vận tải biển.
Tuy nhiên, tình hình mới ổn định hơn gần đây dù còn lâu mới về được mức trước đại dịch. Khi các biện pháp phòng chống dịch giảm dần ở châu Á, người lao động có thể trở lại và các nhà máy lại hoạt động từ tháng 9, mặc dù vẫn thỉnh thoảng bị gián đoạn do các biện pháp phòng chống dịch.
Theo bà Fenner, ngay cả khi nối lại nhiều hoạt động sản xuất thì vẫn còn thách thức về mặt hậu cần, đặc biệt là vận tải biển và cả hàng không.
Trên toàn cầu, chưa tới một nửa số tàu biển tới đích kịp thời gian trong năm 2021 và tàu tới chậm liên tục bị trì hoãn đã khiến thời gian giao hàng chậm thêm cả tuần, so với chậm 4 ngày năm 2018 và 2019.
Các chuyên gia cho rằng nếu Omicron dội nước lạnh vào quá trình phục hồi chuỗi cũng, nó có thể gây ra mối đe dọa với phục hồi xuất khẩu khu vực. Đa số chính phủ tại châu Á có thể không tái áp đặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, nhưng dù vậy thì chuỗi cung vẫn sẽ chịu áp lực nếu mối đe dọa từ COVID-19 còn tồn tại.
Oxford Economics nhận định nếu Omicron ảnh hưởng tới chuỗi cung, tác động tới tổng sản phẩm quốc nội châu Á có thể là giảm 1,6 điểm phần trăm trong năm 2022.