Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp, hai bên cam kết sẽ hợp tác vì lợi ích của người dân EU và Anh, đồng thời bày tỏ lạc quan, hy vọng về triển vọng đạt được một thỏa thuận "toàn diện và đầy tham vọng" vào cuối năm 2020.
Có thể nói cuộc họp, với sự tham gia của Thủ tướng Anh Boris Johnson, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli, đã tạo ra động lực chính trị mới, khi hai bên đều thấy rõ sẽ không thể tháo gỡ được bế tắc tại các vòng đàm phán trước nếu như cứ khăng khăng giữ quan điểm của mình.
Tại vòng đàm phán gần đây nhất, trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier cáo buộc Anh "cố đi ngược lại" một số lĩnh vực trong tuyên bố chính trị mà hai bên đã nhất trí hồi tháng 1/2020, trong khi Anh chỉ trích đại diện đàm phán của EU, ông Barnier "hành động như thể là trọng tài" chứ không phải là "cầu thủ tham gia trận đấu".
Tại cuộc họp đầu tiên với các lãnh đạo EU kể từ tháng 1/2020, Thủ tướng Johnson đã nhận được tín hiệu đáng khích lệ từ EU đối với các kế hoạch nhằm đạt được thỏa thuận tự do thương mại vào cuối mùa Hè này. Các lãnh đạo EU đồng ý nỗ lực cùng với Anh nhằm sớm tìm ra căn cứ cơ sở chung cho vấn đề thương mại và an ninh, tránh để các hoạt động kinh tế bị rơi vào tình trạng rối ren khi hai bên kết thúc thời kỳ chuyển đổi.
Tuy nhiên, tại cuộc họp này, EU cũng phát tín hiệu cảnh báo với phía Anh, rằng sẽ không thể có thỏa thuận thương mại giữa hai bên trừ phi Thủ tướng Johnson chấp nhận hiệp định tự do thương mại phải dựa trên nguyên tắc "sân chơi bình đẳng". Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel khẳng định rằng hai bên nhất trí sẽ tăng cường các cuộc họp đàm phán cho thỏa thuận thương mại, nhưng cảnh báo EU sẽ không "mua thỏa thuận bằng mọi giá".
EU yêu cầu Anh về những quy định "sân chơi bình đẳng" đối với các vấn đề viện trợ nhà nước, quyền lao động và luật môi trường. Đây là 3 phần gây tranh cãi nhiều nhất trong các cuộc đàm phán về tương lai quan hệ giữa hai bên. EU lập luận những sắp xếp "sân chơi bình đẳng" là yếu tố quan trọng để đạt được thỏa thuận thương mại với Anh, đối tác kinh tế mạnh của EU.
Về phần mình, Anh cho rằng sẽ không thể hy vọng đạt được thỏa thuận trừ phi các nhà lãnh đạo EU đưa ra những chỉ đạo mới cho ông Barnier, cho phép thỏa hiệp trong một số lĩnh vực chủ chốt gồm vấn đề đánh bắt cá, quản trị, trợ giúp nhà nước và sân chơi bình đẳng. Lý do Anh trước đây bác lại đề nghị "quy định sân chơi bình đằng" của EU vì Thủ tướng Boris Johnson cho rằng EU đã không đưa ra những đề nghị tương tự với các nước mà khối từng ký thỏa thuận tự do thương mại, như Canada và Nhật Bản.
Bên cạnh đó, Anh cũng phản đối các yêu cầu khác của EU như việc muốn giữ nguyên các quyền đánh cá hiện nay trong vùng biển của Anh thời hậu Brexit. Anh còn bác lại đề xuất của EU rằng tòa án tối cao EU sẽ có vai trò chính trong việc phán quyết những tranh chấp xảy ra giữa hai bên nếu có.
Cũng tại cuộc họp, một lần nữa, hai bên ghi nhận sẽ không gia hạn thời kỳ chuyển đổi hậu Brexit, mà giữ nguyên theo dự kiến là sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2020. Điều này có nghĩa các công ty của Anh chỉ còn vài tháng để chuẩn bị cho những điều kiện hoạt động thương mại nghiêm ngặt hơn với EU.
Với lập trường không gia hạn thời kỳ chuyển đổi, các doanh nghiệp biết họ cần phải chuẩn bị cho một môi trường hoạt động kinh doanh mới khác xa so với hiện nay, bắt đầu từ năm 2021. Đây sẽ là những thay đổi lớn nhất trong các hoạt động thương mại kể từ khi thị trường đơn lẻ EU được hình thành vào năm 1993, những khía cạnh cần thay đổi cũng sẽ tăng do suy thoái kinh tế vì đại dịch COVID-19.
Có thể nói, cuộc họp ngày 15/6 đã thể hiện quyết tâm chính trị từ cả giới lãnh đạo Anh và EU. Tuy nhiên, nội dung cụ thể của các thỏa hiệp vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ. Lo lắng lớn nhất của EU là nếu không đưa ra được quy định "sân chơi bình đẳng", thì khả năng cao các công ty của EU sẽ bị rơi vào tình trạng cạnh tranh không công bằng với các doanh nghiệp Anh, trong khi London cũng hiểu số phận của các cuộc đàm phán thương mại trực tiếp gắn với những cam kết trong thỏa thuận Brexit mà hai bên đưa ra hồi năm ngoái nhằm tránh đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland, một thành viên EU.
Mấy tháng tới đây, các vòng đàm phán thỏa thuận tương lai quan hệ Anh-EU sẽ diễn ra với tần suất dày đặc hơn, mỗi bên sẽ đưa ra nhiều nội dung thỏa hiệp cụ thể. "Ván cờ Brexit" giữa Anh-EU đang đến giai đoạn nước rút, những nước đi nóng vội hay quá thận trọng đều sẽ có thể bị mất điểm trước đối phương, và có lẽ đây sẽ là trận đấu mà tỷ số hòa là điều cả hai bên cùng mong muốn.