Người dân Slovakia đi bỏ phiếu sau vụ ám sát hụt nhằm vào Thủ tướng nước này Robert Fico vào tháng trước. Nhà chức trách cho biết vụ ám sát này mang động cơ chính trị.
Trong khi đó, tại Italy, nền kinh tế lớn thứ 3 của Liên minh châu Âu (EU), nếu đúng như dự kiến, đảng của Thủ tướng Giorgia Meloni giành chiến thắng, Italy có thể sẽ có ảnh hưởng đáng kể trong nhiệm kỳ 5 năm của EP sắp tới và Ủy ban châu Âu (EC) được thành lập sau đó. Nữ thủ tướng tuyên bố ưu tiên hàng đầu của bà là "bảo vệ biên giới châu Âu trước tình trạng nhập cư bất hợp pháp, bảo vệ nền kinh tế thực sự và việc làm".
Cũng trong ngày 8/6, cử tri ở Latvia và Malta bắt đầu đi bỏ phiếu. Theo kế hoạch, 20 nước còn lại, trong đó có Pháp và Đức, sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 9/6, ngày bỏ phiếu cuối cùng, và dự kiến kết quả chung cuộc sẽ có vào tối cùng ngày.
Trong cuộc bầu cử EP năm nay, công dân từ 27 quốc gia thành viên EU sẽ bầu chọn 720 đại biểu cho nhiệm kỳ 5 năm mới. Các ứng cử viên năm nay, tập hợp trong 38 danh sách so với 34 của năm 2019, được bầu theo phương thức bỏ phiếu phổ thông trực tiếp một vòng và quy tắc đại diện theo tỷ lệ. Số đại diện của mỗi quốc gia dựa trên quy mô dân số. Đây là cuộc bầu cử nghị viện lần thứ 10 kể từ cuộc bầu cử trực tiếp đầu tiên năm 1979 và là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ sau Brexit năm 2020.