Theo phóng viên TTXVN tại Đức, trong bài phát biểu tại sự kiện vận động tranh cử của đảng cánh tả Die Link ở Potsdam, đồng lãnh đạo đảng này Martin Schirdewan khẳng định các cử tri sẽ chính là những người quyết định đường hướng của Liên minh châu Âu (EU) tại thời điểm mang tính lịch sử này của liên minh. Ông Schirdewan, cũng là lãnh đạo của cánh tả trong EP, cho biết cũng chính các cử tri sẽ quyết định liệu đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) bảo thủ và các chính đảng trong “liên minh đèn giao thông” cầm quyền có tiếp tục định hình nền chính trị ở châu Âu bằng chính sách “thắt lưng buộc bụng” hay không. Ông nhấn mạnh phe cực hữu có “tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn hay không cũng phụ thuộc vào lá phiếu của chính các cử tri”.
Cựu lãnh đạo đảng cánh tả Đức Gregor Gysi cũng cảnh báo về khả năng “cánh hữu, chủ nghĩa dân tộc và phân biệt chủng tộc” chiếm đa số trong EP. Theo ông, các đảng cực hữu trên khắp EU được dự báo sẽ có được những thắng lợi đáng kể trong cuộc bầu cử EP sẽ kết thúc vào ngày 9/6.
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Layen, thuộc đảng CDU, đã cùng lãnh đạo đảng trung hữu Friedrich Merz đến Munich để tham dự một sự kiện tranh cử cuối cùng. Phát biểu tại cuộc mít tinh kết thúc chiến dịch vận động tranh cử của Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) ở bang Bayern ở miền Nam nước Đức tối 7/6, bà von der Layen đánh giá “châu Âu ngày nay là một món quà tuyệt vời”, nhưng cũng đồng thời nói thêm rằng EU đang đứng trước những thách thức chưa từng từ “lực lượng theo chủ nghĩa dân túy, cực đoan và những kẻ mị dân”, cáo buộc các lực lượng này đang tìm cách làm suy yếu và hủy hoại châu Âu. Bà cam kết sẽ “không cho phép điều đó xảy ra”.
Trong khi đó, phát biểu tại một sự kiện tranh cử ở Koln, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, thành viên hàng đầu của đảng Xanh, đã ca ngợi EU là “liên minh bảo đảm hòa bình và tự do”, được xây dựng dựa trên niềm tin.
Đồng Chủ tịch đảng Xanh Ricarda Lang cho rằng các cuộc thăm dò ý kiến cho cuộc bỏ phiếu ở Hà Lan cho thấy liên minh giữa các đảng dân chủ xã hội và đảng xanh đang làm tốt hơn phe cực hữu. Điều này cho thấy cơ hội đánh bại phe cánh hữu cực đoan cũng như làn sóng dân túy.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích nhận định cuộc bầu cử EP năm nay được dự báo sẽ chứng kiến sự chuyển dịch lớn sang ủng hộ cánh hữu ở nhiều quốc gia, với các đảng cực hữu theo chủ nghĩa dân túy có thể giành được nhiều hơn số phiếu bầu và số ghế trong cơ quan lập pháp châu Âu. Theo nhà báo Jack Parrock của tổ hợp truyền thông DW, cuộc thăm dò sơ bộ đã cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ của các đảng cánh hữu trong cuộc bầu cử sắp diễn ra. Theo kết quả cuộc thăm dò ý kiến bên lề cuộc bầu cử tại Hà Lan diễn ra ngày 6/6, đảng Tự do cực hữu của ông Geert Wilders lên vị trí thứ hai sau Liên minh đảng Lao động/đảng Xanh và đó là xu hướng có thể lặp lại ở các nước EU khác.
Nghị viện châu Âu được bầu 5 năm/lần. Cuộc bầu cử châu Âu đầu tiên được tổ chức vào năm 1979 và là cuộc bầu cử xuyên quốc gia lớn nhất thế giới.
Tại Đức, hơn 66 triệu công dân EU đủ điều kiện bỏ phiếu. Ở Đức, Bỉ, Malta và Áo, công dân EU từ 16 tuổi trở lên có thể bỏ phiếu, trong khi ở Hy Lạp và 18 ở các quốc gia thành viên khác, độ tuổi tối thiểu để có quyền đi bầu là 17.