Bầu cử Chủ tịch LDP ở Nhật Bản: Nước rút trước giờ G

Trong giai đoạn nước rút trước cuộc bầu cử Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản ngày 29/9, bốn ứng cử viên đã tham gia các cuộc tranh luận trực tuyến, trả lời các câu hỏi của người dân và trao đổi ý kiến với các bộ, ngành và địa phương.

Chú thích ảnh
Các ứng cử viên tranh cử chức Chủ tịch đảng Dân chủ tự do cầm quyền Nhật Bản (từ trái sang) gồm Bộ trưởng Cải cách hành chính Taro Kono, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida, cựu Bộ trưởng Nội vụ và truyền thông Sanae Takaichi và quyền Tổng Thư ký Điều hành LDP Seiko Noda trong cuộc họp báo chung tại Tokyo, ngày 17/9/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Những lựa chọn chính sách

Một trong những vấn đề nóng của cuộc đua năm nay là các chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch. Tất cả các ứng cử viên gồm Bộ trưởng Cải cách hành chính Taro Kono, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida, cựu Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông Sanae Takaichi và quyền Tổng Thư ký Điều hành LDP Seiko Noda, đều ủng hộ cách tiếp cận tập trung vào tăng chi tiêu công, nhưng không đề cập chi tiết về việc làm thế nào để đảm bảo nguồn lực tài chính cho cách tiếp cận này trong trung và dài hạn. Mặt khác, cả 4 ứng cử viên đều bày tỏ ý định tạm dừng thực hiện mục tiêu đưa cán cân ngân sách cơ bản của nhà nước trở lại trạng thái thặng dư vào tài khóa 2025.

Liên quan tới các chính sách kinh tế Abenomics, ngoại trừ bà Takaichi, ba ứng cử viên còn lại đều bày tỏ ý định điều chỉnh. Mặc dù ca ngợi những thành quả của Abenomics và cam kết duy trì các chính sách này nhưng cựu Bộ trưởng Ngoại giao Kishida cho rằng các lợi ích thu được từ Abenomics đang tập trung vào một số công ty nhất định, từ đó làm gia tăng bất bình đẳng. Vì vậy, ông Kishida ủng hộ “chủ nghĩa tư bản kiểu Nhật Bản mới”, chuyển từ các chính sách dựa trên chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism) sang các chính sách ưu tiên phân phối công bằng hơn. Để tăng cường phân phối thu nhập cho những người có thu nhập trung bình, ông Kishida sẽ thúc đẩy hỗ trợ chi phí nhà ở và giáo dục cho các hộ gia đình có trẻ nhỏ. Để đối phó với COVID-19, ông Kishida đưa ra đề xuất về các biện pháp kích thích tài chính trị giá hàng chục nghìn tỷ yen.

Cũng giống như ông Kishida, ông Kono muốn điều chỉnh một số nội dung trong Abenomics, theo hướng ủng hộ các biện pháp ưu đãi thuế cho các công ty đã nâng cao tỷ trọng thu nhập của người lao động. Bên cạnh đó, ông Kono cũng đưa số hóa và giảm thải carbon - hai chính sách quan trọng mà Thủ tướng Suga Yoshihide đã theo đuổi thời gian qua - làm trọng tâm trong các chính sách kinh tế của mình. Chính trị gia này đặt mục tiêu hiện thực hóa tăng trưởng kinh tế thông qua việc tăng cường đầu tư vào các công nghệ như mạng di động 5G thế hệ tiếp theo; các công nghệ pin và sản xuất năng lượng quang điện - những thứ sẽ không thể thiếu trong một xã hội giảm thải khí carbon.

Ngược lại, bà Takaichi ủng hộ tiếp tục theo đuổi Abenomics bằng gói chính sách có tên gọi “Sanaenomics”. Nữ chính trị gia này khẳng định sẽ tạm thời đóng băng mục tiêu đưa cán cân ngân sách sơ cấp về trạng thái thặng dư cho đến khi Nhật Bản thực hiện được mục tiêu nâng tỷ lệ lạm phát lên 2%. Thay vào đó, bà sẽ thực hiện nới lỏng tiền tệ và chi tiêu ngân sách trên quy mô lớn. Bên cạnh đó, cũng giống  như Abenomics, bà Takaichi sẽ cố gắng thực hiện chi tiêu tài khóa linh hoạt thông qua "các khoản đầu tư cho quản lý khủng hoảng" để chuẩn bị cho các thảm họa thiên nhiên quy mô lớn và "các khoản đầu tư cho tăng trưởng" trong các lĩnh vực như công nghệ robot và bán dẫn.

Đối với chính sách an sinh xã hội, cả bốn ứng cử viên đều cam kết tăng gấp đôi chi ngân sách dành cho trẻ em trong bối cảnh Nhật Bản đang đối mặt với tỷ lệ sinh thấp. Bên cạnh đó, ngoại trừ bà Takaichi, ba ứng cử viên còn lại đều nhất trí về sự cần thiết phải lập cơ quan chuyên trách về các chính sách liên quan tới trẻ em. Riêng bà Takaichi cho biết sẽ giảm bớt gánh nặng nuôi nấng trẻ em bằng cách giảm thuế cho những người sử dụng dịch vụ trông giữ trẻ.

Liên quan vấn đề ứng phó với dịch COVID-19, ngoại trừ bà Noda, ba ứng cử còn lại đều có phản hồi tích cực trước ý kiến cho rằng Nhật Bản cần phải ban hành văn bản luật cho phép tiến hành phong tỏa khi cần để chống dịch. Tuy nhiên, ông Kishida tỏ ra thận trọng khi chỉ nhấn mạnh sự cần thiết phải “xem xét nghiêm túc hệ thống phong tỏa theo kiểu Nhật Bản, có sự kết hợp giữa giấy chứng nhận tiêm vaccine và chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2”.

Về chính sách năng lượng, hai ứng cử viên là ông Kishida và bà Takaichi kêu gọi thúc đẩy tái chế nhiên liệu hạt nhân. Cả hai ứng cử viên này đều có quan điểm tích cực đối với xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới. Trong khi đó, ông Kono không đề cập trực tiếp tới việc tái chế nhiên liệu khi nói “chúng ta cần lựa chọn nơi xử lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng”, đồng thời kêu gọi chính phủ chi thêm tiền cho việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo.

Trong lĩnh vực đối ngoại và an ninh, tất cả các ứng cử viên đều khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ, coi đây là là nền tảng để đối phó với với các thách thức an ninh trong khu vực. Ngoại trừ bà Noda, ba ứng cử viên còn lại đều bày tỏ ý định tăng cường sức mạnh của Cảnh sát Biển Nhật Bản (JCG) để bảo vệ quần đảo Senkaku mà nước này đang quản lý và Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.     

Ông Kishida đề cập việc tăng cường năng lực và quyền hạn của JCG, trong khi ông Kono cho biết sẽ cân nhắc sửa đổi các luật về JCG nếu cần để cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất ngờ. Ông Kono cũng cho rằng cần phải cải thiện năng lực của SDF trong các lĩnh vực không gian mạng và vũ trụ, đồng thời xem xét ý tưởng hợp tác với các quốc gia như Mỹ và Anh để chia sẻ thông tin tình báo.  

Về phần mình, bà Takaichi nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành luật an ninh kinh tế để ngăn chặn sự rò rỉ các công nghệ tiên tiến ra nước ngoài. Riêng bà Noda cho rằng cần phải xem xét các biện pháp bảo vệ đất nước trên cơ sở nguyên tắc của chủ nghĩa hòa bình trong thời hậu chiến ở Nhật Bản.

Liên quan tới khả năng Nhật Bản sở hữu năng lực tấn công các căn cứ của kẻ thù, các ứng cử viên Kishida và Takaichi ủng hộ việc Nhật Bản sở hữu năng lực này.

Trong khi đó, ông Kono không thể hiện rõ sự ủng hộ với kế hoạch trên khi nói “chúng ta có thể có sự răn đe bằng cách thể hiện năng lực bắn hạ tên lửa” và rằng giờ là thời điểm thảo luận làm thế nào để tăng cường khả năng răn đe trong khuôn khổ liên minh Nhật-Mỹ. Bên cạnh đó, ông Kono cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện khả năng ứng phó của Nhật Bản trong các lĩnh vực như không gian mạng và sóng điện từ.

Mặt khác, ngoại trừ bà Noda, ba ứng cử viên còn lại đều bày tỏ mong muốn gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc trong những năm 1970 và 1980.

Trong số 4 ứng cử viên, bà Takaichi được cho là có lập trường cứng rắn nhất đối với Trung Quốc. Bà khẳng định nếu được bầu làm thủ tướng, bà sẽ đi thăm Mỹ đầu tiên để “thảo luận về hợp tác quốc phòng nhằm ứng phó với Trung Quốc”. Bà cũng tuyên bố sẽ chấp nhận cho Mỹ triển khai tên lửa tầm trung trên bộ ở Nhật Bản.

Dấu chấm hết cho nền chính trị phe phái

Khác với cuộc bầu cử chủ tịch LDP năm ngoái khi đa số các phái lớn trong đảng cầm quyền đều dồn phiếu cho ứng cử viên Suga Yoshihide, năm nay, có tới 6/7 phái bị chia rẽ trong việc lựa chọn ứng cử viên để ủng hộ. Không ít người cho rằng điều này báo hiệu sự kết thúc của nền chính trị phe phái, từ lâu vẫn tác động tới chính trường Nhật Bản, trong đó có quá trình lựa chọn lãnh đạo mới.

Đáng chú ý, sự chia rẽ trong các phe phái đang trở nên sâu sắc khi nhiều nghị sĩ trẻ đã lên tiếng đòi được tự do bỏ phiếu. Nguyên nhân là do cuộc bầu cử hạ viện sẽ diễn ra ngay sau cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch LDP và đây có thể là một cuộc bầu cử rất khó khăn đối với các nghị sĩ của LDP. 

Trong quá khứ, các nghị sĩ trẻ của LDP chưa từng phải đối mặt với cuộc bầu cử nào khó khăn như cuộc bầu cử sắp tới. Trong các cuộc bầu cử hạ viện năm 2014 và 2017, hầu hết các nghị sĩ trẻ của LDP đều dễ dàng tái đắc cử nhờ tận dụng sự mến mộ của cử tri dành cho Thủ tướng Abe Shinzo. Giờ đây, đối mặt với thách thức lớn, các chính trị gia này có khuynh hướng dựa vào đánh giá của dư luận để chọn ra một gương mặt được công chúng mến mộ làm lãnh đạo mới hơn là tuân theo định hướng của phái mình. Trong khi đó, lãnh đạo các phái không muốn ép buộc các nghị sĩ này phải tuân thủ định hướng của mình do lo ngại sẽ mất đi thành viên, từ đó ảnh hưởng đến sức mạnh của họ trong cuộc cạnh tranh quyền lực trong nội bộ đảng. 

Mặt khác, sự thay đổi về thể thức bỏ phiếu, trong đó các đảng bộ cấp tỉnh có số phiếu tương đương với số phiếu của các nghị sỹ của LDP, cũng khiến cho cuộc bầu cử này trở nên khó dự đoán hơn bao giờ hết. Do vậy, trong cuộc bầu cử năm nay, có tới 6 trong số 7 phái trong LDP đã cho phép các thành viên tự do bỏ phiếu. 

Trên thực tế, mức độ ảnh hưởng của các phái đã giảm đi rất nhiều trong 30 năm qua sau một loạt các cải cách chính trị, trong đó có sự ra đời của hệ thống trợ cấp chính phủ cho các đảng chính trị và sự thay đổi trong hệ thống bầu cử hạ viện từ mô hình các khu vực bầu cử nhiều ghế thành mô hình kết hợp giữa các khu vực bầu cử một ghế và phương thức đại diện tỷ lệ. Những cải cách này đã dẫn tới việc ban lãnh đạo đảng gần như nắm hết quyền lực trong việc lựa chọn ứng cử viên tranh cử ở từng khu vực bầu cử và phân bổ ngân quỹ của đảng. 

Trong cuộc đua vào chiếc ghế chủ tịch LDP năm nay, cả 4 ứng cử viên đều khẳng định nếu giành thắng lợi và thành lập nội các mới, họ sẽ không chấp nhận đề xuất từ các phe phái liên quan tới vấn đề ai sẽ giữ các chức vụ chủ chốt trong nội các và ban chấp hành LDP.

Đào Thanh Tùng (Phóng viên TTXVN tại Nhật Bản )
Nhật Bản: Ứng cử viên Kishida tạm chiếm ưu thế trong cuộc đua giành chiếc ghế chủ tịch đảng LDP
Nhật Bản: Ứng cử viên Kishida tạm chiếm ưu thế trong cuộc đua giành chiếc ghế chủ tịch đảng LDP

Hãng tin Jiji Press ngày 25/9 công bố kết quả thăm dò về số lượng nghị sĩ đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ủng hộ các ứng cử viên trong cuộc đua vào chiếc ghế chủ tịch đảng này, theo đó cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida đang tạm dẫn trước 3 ứng cử viên khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN