Phát biểu với các phóng viên trong cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo, bà Takaichi cho biết chiến lược tranh cử sẽ tập trung vào việc nới lỏng tiền tệ và chi tiêu công trong các tình huống khẩn cấp, đồng thời đầu tư cho quản lý khủng hoảng, trong đó có năng lực quốc phòng và ứng phó với thảm họa.
Hạ nghị sĩ Takaichi, 60 tuổi, bước chân vào chính trường Nhật Bản năm 1993 và đã trúng cử vào Hạ viện 8 lần liên tiếp. Bà lần đầu tiên đảm nhận vị trí bộ trưởng trong nội các vào năm 2006 sau khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền. Sau khi ông Abe được bầu làm Thủ tướng lần thứ 2 vào tháng 12/2012, bà Takaichi đã có hai lần đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông. Theo các phương tiện truyền thông Nhật Bản, bà Takaichi là một nhân vật thuộc phe bảo thủ và có quan hệ khá gần gũi với cựu Thủ tướng Abe, nhưng không thuộc phái nào trong LDP.
Ngoài bà Takaichi, cho đến nay, mới có cựu Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida đã chính thức thông báo sẽ tham gia vào cuộc đua tới chiếc ghế chủ tịch LDP. Đương kim Bộ trưởng Cải cách Hành chính Taro Kono cũng có thể sẽ tham gia cuộc đua này, trong khi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba vẫn tỏ ra dè dặt. Vì vậy, nhiều khả năng cuộc đua vào chiếc ghế chủ tịch LDP sẽ là cuộc đua “tam mã” giữa bà Takaichi với ông Kishida và ông Kono.
Trước đó, ngày 3/9, Thủ tướng Suga Yoshihide, người đang giữ chức Chủ tịch LDP, đã bất ngờ thông báo sẽ không ra tranh cử. Điều này đồng nghĩa với việc ông sẽ không tiếp tục giữ chức Thủ tướng sau khi kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch đảng cầm quyền vào ngày 30/9 tới. LDP dự kiến sẽ tổ chức bỏ phiếu bầu lãnh đạo mới vào ngày 29/9. Chiến dịch tranh cử dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 17/9.
Khác với cuộc chạy đua vào chiếc ghế Chủ tịch LDP năm ngoái, vốn chỉ có sự tham dự của các thành viên là nghị sĩ, cuộc bỏ phiếu sắp tới có sự tham gia của cả các thành viên không phải là nghị sĩ và đại diện của các tổ chức ủng hộ đảng này. Bất cứ ai muốn giành chiến thắng đều phải có được ít nhất 50% trong số 766 phiếu, trong đó có 383 lá phiếu của các nghị sĩ LDP.
Trong trường hợp không có ứng cử viên nào giành đa số trong vòng bỏ phiếu thứ nhất, LDP sẽ phải tổ chức bỏ phiếu lần thứ 2 để chọn ra chủ tịch mới từ 2 ứng viên có số phiếu cao nhất ở vòng 1. Vòng bỏ phiếu thứ 2 sẽ có sự tham dự của 383 nghị sĩ và 47 đảng bộ của LDP ở 47 tỉnh, thành.