Người đứng đầu Cơ quan Y tế Tây Lombok Rahman Sahnan Putra ngày 15/9 cho biết đến nay 128 người, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em, được phát hiện mắc bệnh sốt rét. Xác nhận việc ban bố tình trạng khẩn cấp, ông Putra nhận định: "Đây là sự bùng phát sốt rét khác thường". Chính quyền địa phương cho biết đang yêu cầu chính quyền liên bang và khu vực cấp khoản viện trợ khoảng 3,4 tỷ rupiah (230.000 USD) để giúp mua màn, các thiết bị xét nghiệm, cũng như hỗ trợ các nỗ lực chống dịch.
Trong khi đó, lãnh đạo cơ quan y tế tỉnh Tây Nusa Tenggara Marjito cho biết vụ việc này được xử lý như một "đợt bùng phát thông thường". Theo ông Marjito, những người dương tính với virus sốt rét đã được chữa trị, tư vấn và phun thuốc chống muỗi xung quanh khu vực sống của người bệnh. Tuy nhiên, ông Marjito cảnh báo việc nhiều người dân đảo sống trong các căn lều do nhà cửa bị phá hủy sẽ khiến họ dễ mắc bệnh và bệnh trở nên nặng hơn. Ông Marjito cho biết giới chức đang lập bản đồ vùng dịch và lên kế hoạch phân phát hàng nghìn chiếc màn cho khu vực này. Tuy nhiên, lực lượng y tế cũng lo ngại dịch bệnh sẽ trở nên phức tạp hơn khi mùa mưa đến vào tháng tới.
Những xét nghiệm gần đây cho thấy có sự tăng vọt về ca lây nhiễm sốt rét dù đây là bệnh đặc hữu ở Lombok. Tuy nhiên, theo quan chức Bộ Y tế Malaysia Anung Sugihantono, sự tăng vọt này có thể là do khả năng chẩn đoán, xét nghiệm của lực lượng y tế tại đây đã được nâng cao sau các đợt hỗ trợ đào tạo của chính quyền trung ương.
Các trận động đất và dư chấn tại khu vực Lombok thuộc tỉnh Tây Nusa Tenggara trong tháng 7 và 8 vừa qua đã cướp đi sinh mạng của gần 500 người và gây ra thiệt hại ước tinh khoảng 5.000 tỷ rupiah (tương đương 337,84 triệu USD) cho cơ sở hạ tầng công cộng và bệnh viện cùng với nhiều tòa nhà khác ở bờ Bắc của đảo.
Đảo Lombok cũng như toàn bộ quốc đảo Indonesia đều nằm trên "Vành đai Lửa" Thái Bình Dương, nơi các mảng vỏ Trái Đất va chạm, khiến khu vực này thường xuyên xảy ra động đất và phun trào núi lửa.