Theo hãng thông tấn nhà nước Antara, số người thiệt mạng tính đến tối 8/8 đã lên tới 347 người và số người bị thương là gần 1.500 người. Người phát ngôn Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai Indonesia (BNPB), ông Sutopo Purwo Nugroho cho biết con số thương vong mới này được thống kê dựa trên số liệu cung cấp từ những người đứng đầu các khu vực bị ảnh hưởng do động đất trên đảo Lombok.
Cũng theo người phát ngôn, hiện có trên 165.000 người trong tổng số khoảng 200.000 dân cư sống ở khu vực phía Bắc đảo Lombok (theo số liệu thống kê năm 2010) bị mất nhà cửa và buộc phải đi sơ tán. Hiện có khoảng 20.000 người đang cần sự hỗ trợ khẩn cấp và các nhân viên cứu hộ đang phải nỗ lực hết sức để tiếp cận được địa điểm của khoảng 80% số tòa nhà bị phá hủy.
Đại diện Hội chữ thập đỏ có trụ sở tại Jarkarta, ông Husni Husni nói: "Chúng tôi lo ngại, các xe cứu hộ không thể tiếp cận được do địa hình và tình trạng lở đất vẫn tiếp tục diễn ra". Nhiều người đã phải sơ tán lên các khu vực núi cao do lo ngại xảy ra sóng thần.
Hiện các nhân viên cứu hộ đang chạy đua với thời gian để sơ tán các du khách từ 3 hòn đảo nhỏ, nằm gần tâm chấn của trận động đất tại đảo Lombok. Ông Gusti Lanang Wisnuwwangdana, một quan chức thuộc Văn phòng tìm kiếm và cứu nạn của Mataram cho hãng thông tấn Antara biết, các nhân viên y tế và cứu hộ đang nỗ lực để tiếp cận các địa điểm có thể có người còn sống sót bị mắc kẹt trong nhà sau trận động đất.
Các công tác tìm kiếm nạn nhân vẫn đang được các lực lượng chức năng huy động tối đa, đặc biệt nỗ lực cứu trợ đang tập trung vào địa điểm có các tòa nhà đông người bị sụp đổ.
Trong số các địa điểm này có 2 nhà thờ Hồi giáo bị đổ sập khi hàng chục người đang làm lễ cầu nguyện và một trạm y tế có nhiều người bên trong. Ngoài công tác tìm kiếm nạn nhân, các cơ quan chức năng đang khắc phục mạng lưới điện, cũng bị hư hỏng nặng sau trận động đất.
Theo BNPB, đã có tới 332 cơn dư chấn sau trận động đất kinh hoàng tại đảo du lịch Lombok.