Trung Quốc đang tăng cường mối quan hệ an ninh với các quốc gia châu Phi khi đầu tư rất mạnh tay vào phát triển Lục địa Đen.
Ngày 14/7, Trung Quốc khai mạc diễn đàn An ninh và Hòa bình Trung Quốc-châu Phi kéo dài trong một tuần. Tại sự kiện này, các Bộ trưởng Quốc phòng và quan chức quân sự sẽ trao đổi về hợp tác, thúc đẩy hòa bình, quỹ an ninh và xây dựng khả năng phòng vệ giữa các nước châu Phi.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) dẫn lời các nhà phân tích cho biết trong khi các quốc gia châu Âu và Mỹ đã giảm dần hoạt động tại châu Phi thì Trung Quốc chủ trương tăng ảnh hưởng ở Lục địa Đen qua sáng kiến “Vành đai, Con đường” và tăng cường hợp tác quân sự.
Sự hiện diện của Trung Quốc tại châu Phi không chỉ gói gọn trong vai trò gìn giữ hòa bình thuộc Liên hợp quốc mà nay còn có căn cứ quân sự ở Djibouti, căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài.
Diễn đàn An ninh và Hòa bình Trung Quốc-châu Phi được kỳ vọng sẽ tiếp nối nội dung từ Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi tổ chức ở Bắc Kinh trong năm 2018 liên quan đến chống khủng bố, mở rộng đào tạo quân sự và phối hợp tập trận chung.
Trong chuyến thăm Ethiopia vào tháng 2, Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc – ông Chen Xiaodong đã đề cập đến bất ổn chính trị, khủng bố và thiếu nguồn kinh phí là những vấn đề an ninh cấp bách.
Nhà nghiên cứu Cobus van Staden tại Viện các vấn đề quốc tế Nam Phi đánh giá giới lãnh đạo châu Phi mong đợi về kết quả từ hợp tác đào tạo và chia sẻ an ninh tình báo với Bắc Kinh.
Trong khoảng thời gian từ năm 2014-2018, Trung Quốc đã là nhà cung cấp vũ khí cho 26 quốc gia châu Phi, trong đó có xe thiết giáp CSK-131 cho CH Trung Phi, máy bay vận tải Harbin Y-12 cho Mali và tên lửa Red Arrow-9A dành cho Rwanda.
Theo Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), 1/5 doanh thu xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc đến từ châu Phi.
Nhà nghiên cứu Olusegun Sotola tại Nigerian cho rằng việc Trung Quốc nhiệt tình với châu Phi một phần bắt nguồn từ lợi ích thương mại và Bắc Kinh muốn có thêm nhiều đối tác trên thế giới. “Một khi bạn có lợi ích về thương mại thì về mức độ nào đó bạn muốn có cả hiện diện quân sự”, ông Sotola nhận định.
Tuy nhiên, người dân châu Phi vẫn khá “cảnh giác” với Trung Quốc và điều quan trọng là Bắc Kinh làm gì để gỡ bỏ được quan điểm này. Ông Sotola nói: “Nhìn chung mọi quốc gia đều cần đồng minh ở mức nào đó, rất tốt để Trung Quốc có đồng minh là châu Phi”.