Theo hãng tin Reuters của Anh, Azerbaijan đã cáo buộc Armenia “vi phạm nghiêm trọng lệnh ngừng bắn nhân đạo” đạt được hôm 10/10 vừa qua. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Azerbaijan, ông Vagif Dargiahly, cho biết Armenia đã nã pháo vào các thành phố Goranboy, Aghdam và Terter thuộc lãnh thổ Azerbaijan. Quan chức trên đồng thời khẳng định các lực lượng Azerbaijan không vi phạm lệnh ngừng bắn.
Về phần mình, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Armenia Shushan Stepanyan đã bác bỏ các cáo buộc trên. Bà cho biết Azerbaijan đã nối lại các hoạt động quân sự, thực hiện các vụ nã pháo từ nhiều hướng.
Giao tranh đã tái diễn giữa các lực lượng của Armenia và Azerbaijan tại khu vực Nagorny-Karabakh, bất chấp việc các cường quốc khu vực và thế giới liên tiếp kêu gọi hai bên tuân thủ lệnh ngừng bắn. Mới đây nhất, ngày 13/10, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã kêu gọi Azerbaijan và Armenia tôn trọng thỏa thuận này và ngừng bắn tại các khu vực có dân cư.
Theo các số liệu thống kê chưa đầy đủ của hai bên, hơn hai tuần xung đột tại đây đã làm gần 600 người thiệt mạng, trong đó có 73 dân thường. Ủy ban Chữ Thập đỏ quốc tế (ICRC) cảnh báo hàng chục nghìn người có thể cần cứu trợ trong những tháng tới. Hiện cơ quan này đang kêu gọi quyên góp thêm 10 triệu USD để triển khai các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại khu vực.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày 13/10, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng kêu gọi tiến hành đàm phán 4 bên giữa nước này, Nga, Azerbaijan và Armenia để giải quyết cuộc xung đột tại Nagorny-Karabakh. Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi, lời kêu gọi trên được ông Ibrahim Kalin - quan chức đứng đầu bộ phận truyền thông của Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, đưa ra trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình. Đề cập đến Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), ông Kalin cho rằng: “Nếu Nhóm Minsk không thể tìm ra được giải pháp trong hơn 30 năm, đã đến lúc tìm kiếm một cơ chế mới”.
Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia. Điều này đã châm ngòi cho những tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Căng thẳng tái bùng phát từ sáng 27/9 vừa qua sau khi nổ ra các vụ đụng độ ác liệt giữa hai bên, đến nay đã khiến hàng trăm người thiệt mạng. Với vai trò trung gian của Nga, ngày 10/10, các ngoại trưởng Armenia và Azerbaijan đã đồng ý về một lệnh ngừng bắn nhân đạo. Tuy nhiên, ngay sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, cả Armenia và Azerbaijan đều cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận.