Australia nỗ lực đảm bảo cân bằng giữa mở cửa kinh tế và kiểm soát dịch

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, với mục tiêu sống chung với dịch bệnh, thúc đẩy mở cửa nền kinh tế để phục hồi đất nước, Chính phủ Australia đã đưa ra những điều chỉnh mới sau cuộc họp Nội các hôm 14/1, trong đó áp dụng quy định mới đối với những ngành nghề lao động quan trọng.

Chú thích ảnh
Các phương tiện xếp hàng tại điểm xét nghiệm COVID-19 ở Sydney, Australia, ngày 9/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Theo quy định mới, sẽ có thêm hàng nghìn lao động được phép trở lại làm việc thay vì phải tự cách ly 7 ngày tại nhà. Những người tiếp xúc gần với những ca mắc COVID-19 (và có nguy cơ nhiễm cao) phải có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính, không có các triệu chứng và phải tuân thủ những quy định phòng dịch. Những quy định này gồm đeo khẩu trang tại nơi làm việc, xét nghiệm kháng nguyên nhanh 2 ngày một lần trong vòng 6 ngày và tiếp tục theo dõi trong 14 ngày. Những người này chỉ được đi từ nơi cách ly đến nơi làm việc và nếu xuất hiện các triệu chứng thì phải nghỉ việc ngay lập tức. Những người có kết quả xét nghiệm dương tính cũng sẽ cần phải thực hiện tự cách ly.

Động thái trên nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động và duy trì các dịch vụ thiết yếu trong bối cảnh Australia đang phải đối mặt với tỷ lệ mắc COVID-19 cao và số lượng người lao động nghỉ việc vì phải cách ly ngày càng tăng. Theo thống kê, nếu tiếp tục áp dụng các biện pháp cách ly, lực lượng lao động trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế Australia sẽ sụt giảm 10%, bao gồm cả lực lượng lao động trong các ngành nghề thiết yếu. Nếu các trường học phải đóng cửa và các bậc phụ huynh phải ở nhà trông con, ước tính sẽ có thêm 5% người lao động phải nghỉ làm. Do đó, quy định mới nhất đã nhắm đến một giải pháp cân bằng tối ưu giữa việc nới lỏng quy định để phần lớn lao động trong các ngành nghề quan trọng và trong lĩnh vực giáo dục quay trở lại làm việc và vẫn có thể ngăn chặn nguy cơ lây lan của dịch bệnh.

Thực tế cho thấy biến thể Omicron nhìn chung gây ra những triệu chứng ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đó. Trong khi đó, nguy cơ lây nhiễm sẽ giảm đi khi nhiều người dân Australia được tiêm chủng và tiêm mũi tăng cường. Tuy nhiên, Australia vẫn cần tiếp tục theo dõi xem những thay đổi này sẽ tác động như thế nào đến nguy cơ lây nhiễm trong số lực lượng lao động trong các lĩnh vực dịch vụ thiết yếu. Việc theo dõi này sẽ giúp chính quyền điều chỉnh những biện pháp y tế cộng đồng phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là trước nguy cơ xuất hiện những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Australia cần phải kiểm soát tốt nguy cơ xuất hiện những ca lây nhiễm mới khi người lao động đi làm trở lại. Điều này sẽ giúp chính phủ điều chỉnh những biện pháp y tế công cộng để đối phó với làn sóng hiện nay cũng như với các biến thể mới trong tương lai. Bên cạnh đó, chính phủ cần theo dõi tình trạng gia tăng số ca nhiễm mới trong các nhóm ngành nghề cụ thể. Việc thống kê số lượng ca nhiễm không phải là biện pháp tốt nhất cho tình trạng dịch bệnh hiện nay bởi những mô hình xét nghiệm thay đổi theo từng nhóm cộng đồng dân cư và thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, việc thống kê này vẫn có thể giúp phát hiện ra những thay đổi lớn trong cách thức lây nhiễm, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hiện nay. Do đó, chính phủ cần so sánh các con số tăng giảm trước và sau khi thay đổi các biện pháp y tế công cộng để đánh giá tác động của việc thay đổi này.

Văn Linh (TTXVN)
Australia ghi nhận ngày có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất
Australia ghi nhận ngày có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất

Ngày 18/1, Australia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao chưa từng có tại nước này, trong bối cảnh đợt bùng phát dịch do biến thể Omicron có tốc độ lây lan nhanh khiến tỷ lệ bệnh nhân nhập viện tăng lên các mốc kỷ lục, dù số ca mắc mới theo ngày giảm nhẹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN