Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, dựa trên quỹ y tế mới, Chính phủ liên bang Australia sẽ đóng vai trò hỗ trợ 50-50 chi phí cùng với các tiểu bang, triển khai công tác phòng chống và bảo vệ sức khỏe cộng đồng địa phương. Dự kiến, số tiền liên bang đóng góp sẽ là 500 triệu AUD, trong đó 100 triệu AUD sẽ được phân phối ngay cho các tiểu bang, để giải quyết các khoản chi phí y tế cộng đồng phát sinh từ ngày 21/1. Thủ tướng Morrison cho biết số tiền tài trợ nói trên là để đối phó với dịch COVID-19. Đây là khoản ngân sách độc lập, tách biệt với các khoản tài trợ y tế khác mà Canberra đã có kế hoạch dành cho những bệnh viện và hệ thống y tế quốc gia. Tính đến sáng 6/3, tại Australiađã đã có 61 trường hợp nhiễm COVID-19.
Ngoài ra, Chính phủ Australia cũng đang tích cực giám sát an ninh đối với nguồn cung thuốc kê theo đơn và một số loại thuốc đặc trị khác, trong bối cảnh ngày càng nhiều mối lo ngại về khả năng thiếu các loại thuốc này do dịch bệnh COVID-19. Viện Nghiên cứu Kinh tế Tổng hợp Australia đã cảnh báo nước này sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt trầm trọng các loại dược phẩm do phải nhập khẩu tới hơn 90% thuốc và dược phẩm bào chế thuốc, trong đó 20% nhập từ Trung Quốc. Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng do dịch COVID-19 sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đối với ngành dược phẩm của Australia, tác động đến quá trình chữa bệnh và y tế quốc gia. Do đó, báo cáo của viện nghiên cứu trên khuyến nghị Chính phủ Australia cần có biện pháp để đảm bảo nguồn cung ứng thuốc.
Một người phát ngôn của Bộ Y tế Australia khẳng định hiện tại không có bất kỳ sự thiếu hụt thuốc nào liên quan dịch COVID-19, tuy nhiên quan chức này cũng thừa nhận cơ quan chức năng Australia đang xác định mức độ tác động tiềm tàng, có khả năng ảnh hưởng đến nguồn cung thuốc trong tương lai.
Trong khi đó, Hiệp hội Nha khoa Australia (ADA) đã kêu gọi chính phủ nước này cần khẩn trương can thiệp, hỗ trợ cung cấp khẩu trang phẫu thuật cho các bác sĩ vì nhu cầu đối với mặt hàng này tăng vọt do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19. Hiệp hội ước tính ngành nha khoa sử dụng khoảng 9,5 triệu chiếc khẩu trang phẫu thuật mỗi tháng. Không có khẩu trang, nguy cơ lây nhiễm đối với các y bác sĩ và cả bệnh nhân sẽ rất cao. Nhiều khả năng các phòng khám sẽ phải đóng cửa vì nha sĩ không thể điều trị cho bệnh nhân một cách an toàn, nhất là trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát.
Trung Quốc, tâm điểm của dịch COVID-19 bùng phát từ cuối năm 2019, không chỉ là nhà sản xuất thuốc lớn nhất thế giới mà còn là nơi cung cấp các nguyên liệu đầu vào khổng lồ cho các nhà bào chế dược phẩm trên khắp thế giới, bao gồm Mỹ, châu Âu và Australia.