Hàn Quốc đã để dịch COVID-19 bùng phát như thế nào?

Tính tới ngày 6/3, số người nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) đã lên tới trên 6.500 và 42 người tử vong. Vì sao Hàn Quốc lại nhanh chóng trở thành một điểm dịch lớn như vậy?

Chú thích ảnh
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (thứ hai trái sang) tại cuộc họp Nội các ở Seoul ngày 3/3. Ảnh: AFP

Ngày 24/2, nghị sĩ Ha Tae-kyung, đồng Chủ tịch đảng đối lập Bảo thủ Mới, đang trên một chuyến tàu cao tốc từ Busan, thành phố lớn thứ hai Hàn Quốc, đến Seoul, thì nghe tin Quốc hội đã hủy phiên họp và đóng cửa. 

Một người tham dự cuộc họp Quốc hội Hàn Quốc trong tuần trước đó đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 và một số chính trị gia đang được kiểm tra y tế. “Virus sẽ không phân biệt đâu là nghị viện, Nhà Xanh hay tòa thị chính. Nhưng đó là lần đầu tiên trong sự nghiệp của mình, tôi chứng kiến Quốc hội đóng cửa vì một lý do như vậy”, ông Ha Tae-kyung nói với tờ The New Yorker (Mỹ).

Dịch COVID-19, bùng phát từ thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, đang lây lan nhanh ở các nước láng giềng Đông Bắc Á. Tại Nhật Bản, ổ dịch trên du thuyền Diamond Princess, đã khiến ít nhất 6 người tử vong và 700 ca nhiễm bệnh. Ở Hàn Quốc, quốc gia có số người nhiễm bệnh cao thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc (với 6.088 ca nhiễm và 35 người tử vong, tính đến chiều 5/3), dịch COVID-19 thậm chí đang bùng phát nghiêm trọng hơn nhiều.

Ngày 26/1/2020, ba ngày sau khi Trung Quốc phong tỏa Vũ Hán, Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA), hiệp hội bác sĩ lớn nhất đất nước, đã thúc giục chính phủ tạm thời cấm nhập cảnh đối với tất cả du khách đến từ Trung Quốc đại lục. Hàn Quốc đã không chú ý đến cảnh báo đó vì cho rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không đề xuất lệnh cấm du lịch để ngăn chặn virus.

Tuy nhiên bác sĩ Choi Jae-wook, Giáo sư Y tế Dự phòng tại Đại học Koryo, Chủ tịch Ủy ban Xác minh Khoa học của KMA, cho rằng các quốc gia phải tự thích ứng khi đối mặt với nguy cơ đại dịch.

“Tại Hàn Quốc, thời điểm đó có chưa đến 10 người nhiễm bệnh, và tất cả họ đều đến từ Trung Quốc”, bác sĩ Choi nói. “Trong khi lúc đó, có tới 70.000 người đến từ Trung Quốc mỗi ngày. Chắc chắn họ có thể kiểm tra dấu hiệu sốt ở sân bay, nhưng nhiều người không có triệu chứng và một số chỉ phát bệnh sau đó. Ưu tiên hàng đầu trong ngăn chặn bất cứ bệnh truyền nhiễm nào là phải ngăn chặn sự lây nhiễm và giải pháp cơ bản nhất trong trường hợp này là hạn chế đi lại”, ông Choi khẳng định.

Bốn ngày sau, vào ngày 30/1, WHO tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu và một số quốc gia, trong đó có Mỹ và Australia, đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh tạm thời đối với hành khách đến từ Trung Quốc. Các quốc gia và vùng lãnh thổ lân cận khác, bao gồm Nga, Mông Cổ, Kazakhstan, Đài Loan (Trung Quốc), Philippines và Singapore, cũng nhanh chóng làm như vậy. Tính đến ngày 4/3, hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ đã áp đặt lệnh cấm tạm thời.

Chú thích ảnh
Tổng thống Moon Jae-in. Ảnh: Nhà Xanh/Getty

Chính phủ Hàn Quốc đã từ chối áp dụng một lệnh cấm nhập cảnh hoàn toàn. Vào ngày 4/2, năm ngày sau khi WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp, Hàn Quốc mới ban hành một lệnh cấm giới hạn, chỉ cấm nhập cảnh với tất cả người nước ngoài từng đến tỉnh Hồ Bắc trong 2 tuần trước đó.

Nhưng do Trung Quốc phong tỏa nghiêm ngặt tỉnh, dù sao cũng không có ai đi lại và ra khỏi Hồ Bắc. Các nhà chỉ trích cho rằng đây là một động thái thiếu dứt khoát để xoa dịu người Hàn Quốc vốn đang yêu cầu một lệnh cấm hoàn toàn.

Đến ngày 13/2, khi số lượng người nhiễm bệnh ở Trung Quốc lên tới gần 60.000, Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố rằng virus đã được kiểm soát tại Hàn Quốc và dự đoán nó sẽ “biến mất trong không lâu”. Ông kêu gọi người Hàn Quốc trở lại cuộc sống bình thường.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế đưa người nhiễm bệnh lên xe cứu thương tại Daegu. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, tới ngày 23/2, Hàn Quốc cuối cùng đã nâng cảnh báo dịch COVID-19 lên mức cao nhất, tuyên bố phong tỏa tự nguyện các thành phố và tỉnh bị ảnh hưởng, nhưng virus đã lan rộng ra toàn quốc. Trong một bài phát biểu, nhà chức trách Hàn Quốc đổ lỗi sự bùng phát dịch cho các thành viên giáo phái Tân Thiên Địa, nơi các tín đồ chiếm hơn một nửa số ca nhiễm COVID-19 tại Hàn Quốc.

Vào tháng 1, giáo phái này đã tổ chức một số buổi lễ lớn ở Daegu, thành phố lớn thứ tư của Hàn Quốc. Một số thành viên giáo phái trước đó đã đến thăm chi nhánh của Tân Thiên Địa ở Vũ Hán, và virus dường như đã lây lan giữa các tín đồ.

2,4 triệu cư dân thành phố Daegu hiện đang bị cách ly. Trên khắp đất nước, các trường học đóng cửa và dự kiến sẽ mở lại trong tuần này, nhưng chính phủ đã ra lệnh nghỉ học thêm 3 tuần nữa. 

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng trước cửa hiệu thuốc tại Daegu, Hàn Quốc ngày 3/3. Ảnh: Reuters 

Lúc này, những gì Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực thực hiện nhằm ngăn chặn dịch lây lan hơn nữa đang là cơ hội để Chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in thể hiện vai trò chèo lái đất nước trong tình trạng khẩn cấp và vượt qua thách thức chính trị nghiêm trọng trong sự nghiệp.

 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Hàn Quốc vượt 6.000 người
Số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Hàn Quốc vượt 6.000 người

Trung tâm Phòng và kiểm soát dịch bệnh của Hàn Quốc (KCDC) chiều 5/3 cho biết số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này đã vượt 6.000 người, hầu hết tập trung ở thành phố Daegu (Đông Nam).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN