Thói quen mới thời COVID-19 tại Trung Quốc: Kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang

Kiểm tra thân nhiệt liên tục, phương châm "không khẩu trang, không phục vụ" - đó chính là các thói quen mới hình thành thời dịch bệnh ở Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Hành khách chờ đi tàu tại Hồ Nam, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Trước tình hình số ca nhiễm mới và tử vong vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng virus Corona mới SARS-CoV-2 gây ra vài tuần gần đây đã giảm rõ rệt, Trung Quốc sắp khống chế được sự lây lan của virus này. SARS-CoV-2 khởi phát tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc hồi cuối tháng 12/2019 và đã lây nhiễm cho trên 80.000 người và làm 3.000 người thiệt mạng tại Trung Quốc. 

Thế nhưng, điều này đã phải đánh đổi bằng các chính sách phòng ngừa chặt chẽ, làm đảo lộn cuộc sống của người dân, đặc biệt là việc di chuyển trong phạm vi Trung Quốc. Các nhà báo AFP đã phát hiện ra sự thay đổi này trong những chuyến đi gần đây từ Thượng Hải đến gần tâm dịch Hồ Bắc.
Những lời nhắc nhở về sự nguy hiểm của virus Corona xuất hiện ngay sau khi bạn rời khỏi nhà. Lái xe taxi đeo khẩu trang và găng tay cao su sẽ nhắc nhở khách nếu họ không đeo khẩu trang.

Một số lái xe thậm chí còn cẩn trọng hơn. Tại thành phố Ôn Châu, cách Thượng Hải khoảng 4 tiếng đi tàu hỏa, phóng viên AFP đã gọi xe taxi công nghệ Didi Chuxing. Bên trong xe lắp tấm chắn bằng nhựa trong suốt, dựng sát vào lớp khung kim loại để tách biệt khu vực lái xe và hành khách. Didi Chuxing đã triển khai dự án phòng ngừa virus trên xe tại các thành phố có nhiều ca nhiễm COVID-19 và dự định chi 14 triệu USD để nhân rộng mô hình này. 

Tàu “bán hết vé”

Chú thích ảnh
Nhân viên an ninh kiểm tra nhiệt độ người đến văn phòng làm việc ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Du khách khi đặt vé trên mạng của hệ thống đường sắt tốc độ cao ở Trung Quốc đều ngỡ ngàng nhận ra rằng, mặc dù hoạt động di chuyển đang chịu sức ép từ nỗi lo sợ virus, các hệ thống đặt vé phổ biến như Ctrip luôn liệt kê hầu hết chuyến tàu là "đã bán hết vé" hoặc chỉ còn vài chỗ ngồi.

Tuy nhiên, tàu ở Ôn Châu luôn đầy chỗ trống. Điều đó là bởi chỉ có một lượng vé được bán ra để ngăn du khách ngồi quá gần nhau. 

Một nữ phục vụ viên trên tàu nói: “Chúng tôi lấy làm tiếc về sự rối loạn này nhưng các hệ thống đường sắt tốc độ cao ở Trung Quốc đều đang chung tay vào chiến dịch giữ gìn vệ sinh. Chúng tôi mong các bạn hiểu cho”. 

Với việc chính phủ kêu gọi “cuộc chiến nhân dân” toàn diện để chống virus, các “ông lớn” công nghệ như Alibaba và Tencent đã triển khai một số ứng dụng điện thoại di động sử dụng công nghệ big-data (dữ liệu lớn) để theo dõi lịch trình di chuyển của hành khách trong vòng một tháng. Người sử dụng được phân loại thành mã màu xanh, vàng, đỏ dựa trên việc họ có đến khu vực nguy cơ cao nào hay không. Trình diện mã cho nhân viên an ninh chính là quy tắc bắt buộc để ra vào ga tàu hay sử dụng phương tiện giao thông công cộng tại một số thành phố. 

Tại Ôn Châu, các lái xe taxi, nhân viên khách sạn hay bất kỳ ngành dịch vụ nào cũng sẽ yêu cầu xem mã màu của khách trước khi phục vụ. Hệ thống này đã làm dấy lên làn sóng phàn nàn mới về quyền riêng tư trên mạng Internet của Trung Quốc. Tuy nhiên, phần lớn phàn nàn đều liên quan đến việc xếp hạng “xanh” vô cớ bị chuyển thành “đỏ” – có thể dẫn đến hậu quả bị cách ly 14 ngày tại nhà. 

Không bắt tay

Quầy làm thủ tục tại khách sạn đã trở thành các trạm giám sát y tế mini. Lễ tân đeo khẩu trang sẽ đo nhiệt độ cho khách sau đó ghi lại kết quả. 

“Quý khách có từng bị sốt, cảm thấy không khỏe hay đến Hồ Bắc gần đây không?”, một nhân viên lễ tân tại Ôn Châu hỏi. Nỗi ám ảnh về thân nhiệt đôi khi biến việc này trở nên vô lý, rườm rà khi một số khách sạn lại yêu cầu đo nhiệt độ của người vừa mới ra ngoài vài phút. 

Trong một ngày, phóng viên đi vòng quanh Ôn Châu đã phải đo nhiệt độ hơn 10 lần khi đi taxi, vào nhà hàng, cửa hàng tiện lợi, khách sạn. Khi đêm muộn, phóng viên vẫn bị kiểm tra tận phòng khách sạn. Nữ nhân viên khách sạn thông báo trước khi nhiệt kế điện tử báo kết quả: “Đừng bước thêm. Xin hãy đứng yên. Bình thường. Chúc ông buổi tối vui vẻ”. 

Khi phóng viên AFP xuất trình giấy liên hệ cho một nhân viên liên lạc chính phủ tại Ôn Châu, cô nhân viên đã lùi người lại, yêu cầu phóng viên đặt giấy lên bàn. Khi phóng viên tỏ ý muốn bắt tay một nhân viên khác, người đàn ông này từ chối, cười e ngại. “Vì an toàn, chúng ta không nên bắt tay tại thời điểm hiện tại”, người này nói. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
COVID-19 giáng mạnh vào kinh tế Trung Quốc và Hong Kong
COVID-19 giáng mạnh vào kinh tế Trung Quốc và Hong Kong

Theo Thời báo châu Á (Atimes.com) ngày 4/3, môi trường kinh doanh của Trung Quốc tiếp tục xấu đi sau khi bị dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tấn công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN