Giới khoa học Trung Quốc xác định virus SARS-CoV-2 có hai loại

Các nhà khoa học Trung Quốc đang nghiên cứu về nguồn gốc dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra đã phát hiện virus này được phân chia thành hai loại chính. 

Chú thích ảnh
 Kỹ thuật viên làm việc trong phòng thí nghiệm ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, ngày 15/2. Ảnh: THX/TTXVN

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin trong nghiên cứu đăng trên tạp chí National Science Review ngày 3/3, nhóm nhà nghiên cứu người Trung Quốc đã phân tích 103 bộ gen của SARS-CoV-2 và xác định đột biến tại 149 vị trí trên các chủng. Theo đó, virus SARS-CoV-2 đã tiến hóa thành hai loại chính là L và S, với tỷ lệ lây nhiễm và phân bố địa lý khác nhau. 

Họ phát hiện ra rằng loại L phổ biến hơn loại S, có nghĩa là nó dễ lây nhiễm và mạnh hơn. Đáng chú ý, loại L đã phát triển từ loại S, đồng thời loại L đã từng lan rộng hơn nhiều lần so với loại S tại thời điểm trước ngày 7/1 tại thành phố Vũ Hán – tâm dịch COVID-19. Nghiên cứu ban đầu tại Vũ Hán cho thấy loại L mạnh hơn, chiếm khoảng 70% các ca nhiễm.  

Tuy nhiên, các hành động phòng ngừa, đối phó dịch bệnh của con người ngay sau khi phát hiện chủng virus lạ vào cuối tháng 12/2019 có thể đã làm thay đổi số lượng của từng loại. Bản nghiên cứu cho rằng những biện pháp kiểm dịch quyết liệt của chính quyền trung ương và địa phương Trung Quốc bao gồm cả phong tỏa các thành phố có khả năng đã hạn chế sự lây lan của loại L. 

Nhóm nhà khoa học cho biết họ vẫn cần phải tiến hành thêm nhiều nghiên cứu để hiểu rõ hơn về sự tiến hóa và lây lan của SARS-CoV-2.

Bên cạnh đó, theo SCMP, virus phát tán qua phân và nước tiểu người bệnh vừa chính thức được coi là một hình thức lây nhiễm trong phương án điều trị và chẩn đoán COVID-19 mới nhất của Trung Quốc.

Trích dẫn nghiên cứu về việc tìm thấy dấu vết của virus Corona ở mẫu phân bệnh nhân, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) đã bổ sung sự tiếp xúc với phân và nước tiểu nhiễm virus cũng như khí dung của chúng thành một hình thức lây truyền bệnh. Khí dung chính là quá trình chuyển đổi thành các hạt phân tử nhỏ đủ để bay trong không khí. 

Giới chức y tế cho biết các giọt nhỏ li ti dịch hô hấp và tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh là hai hình thức chính mà virus Corona lây lan. NHC đã bổ sung vào phương án điều trị trước đó rằng lây nhiễm qua khí dung là có khả năng xảy ra đối với những người sống trong môi trường khép kín trong thời gian dài. 

Phương án chẩn đoán và điều trị COVID-19 mới nhất của cơ quan y tế Trung Quốc cũng bao gồm cả kết quả khám nghiệm tử thi và kết quả sinh thiết các mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân. Theo các kết quả mới được công bố, COVID-19 đã dẫn đến những tổn thương phổi ở nhiều cấp độ, lá lách bệnh nhân bị xẹp nghiêm trọng, trong khi các tế bào cơ tim bị biến chất và hoại tử. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng bổ sung thêm phương pháp chẩn đoán kháng thể đối với COVID-19. Theo đó, những bệnh nhân dương tính với hai loại kháng thể IgM và IgC trong huyết thanh sẽ được xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2.

Liên quan đến thời gian ủ bệnh, Chủ tịch của Chi nhánh Chăm sóc đặc biệt thuộc Hiệp hội Y khoa Trung Quốc Du Bin nhận định thời gian ủ bệnh trung bình của virus SARS-CoV-2 là khoảng 5-7 ngày và tối đa là 14 ngày. Ông cũng lưu ý rằng mặc dù tại tỉnh Hồ Bắc, có một số người vẫn dương tính với virus sau khi đã xuất viện, song lại không dữ liệu để theo dõi những trường hợp như vậy. Hiện cũng chưa có bằng chứng nào cho thấy những bệnh nhân như vậy có thể lây virus cho người khác.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Sớm sản xuất bộ kit chẩn đoán virus SARS-CoV-2
Sớm sản xuất bộ kit chẩn đoán virus SARS-CoV-2

Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, 3 loại test do Học viện Quân y và Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á được khuyến nghị có thể sử dụng để chẩn đoán virus SARS-CoV-2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN