Theo trang tin Eurasianet.org ngày 15/9, Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu "đối thoại" với Armenia về việc cho phép công dân Armenia đi lại miễn thị thực vào EU. Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh có báo cáo về những khó khăn ngày càng tăng hiện nay đối với người Armenia trong việc xin thị thực và nhập cảnh vào các quốc gia thuộc Khu vực Schengen.
Các cuộc đàm phán dự kiến sẽ mất nhiều năm để hoàn tất và sẽ yêu cầu Armenia thực hiện các cải cách tự do hóa sâu rộng để đáp ứng các tiêu chí của EU. Cuối cùng, bất kỳ thỏa thuận tự do hóa thị thực nào cũng sẽ cần sự chấp thuận của Hội đồng EU và Nghị viện châu Âu.
Trong năm qua, Armenia đã có sự "dịch chuyển địa chính trị" từ Nga sang phương Tây, xuất phát từ thất vọng về các cam kết an ninh trong cuộc xung đột Nagorny-Karabakh, vốn lên đến đỉnh điểm khi Azerbaijan tái chiếm lãnh thổ này vào năm ngoái.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan dường như có ý định hướng nước này gia nhập EU. Vào tuần trước, ông Pashinyan đã chào đón một phái đoàn EU tại Yerevan do Margaritis Schinas, Phó Chủ tịch Ủy ban EU dẫn đầu. Thủ tướng Pashinyan lưu ý rằng cuộc thảo luận công khai tại Armenia về một nỗ lực gia nhập tiềm năng đang gia tăng.
“[Tư cách thành viên EU] này không phải là vấn đề đơn giản, nhưng nó đã trở thành một phần trong chương trình nghị sự chính trị của Armenia, vì vậy cần phải giải quyết vấn đề này một cách chi tiết. Về vấn đề này, điều quan trọng là phải xem xét lời khuyên của các đối tác EU của chúng tôi”, hãng thông tấn Armenpress trích lời Thủ tướng Pashinyan nói.
Trong một tuyên bố, EU cho biết quyết định mở các cuộc thảo luận về việc miễn thị thực nhằm mục đích "duy trì những nỗ lực đang diễn ra nhằm hỗ trợ chương trình cải cách toàn diện của Armenia".
EU cho biết thêm rằng các cuộc thảo luận mới "dựa trên việc thực hiện thành công các Thỏa thuận tạo điều kiện cấp thị thực và tái nhập cảnh EU-Armenia, giúp đơn giản hóa các thủ tục đi lại cho nhiều công dân Armenia".
Những thỏa thuận đó đã đơn giản hóa quy trình xin thị thực để đi đến các quốc gia thành viên EU. Nhưng trong những năm gần đây, kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra năm 2022, các bộ phận lãnh sự của EU đã bị quá tải bởi số lượng lớn đơn xin thị thực do người Armenia nộp, dẫn đến tình trạng tồn đọng ngày càng tăng và kéo dài thời gian cấp giấy tờ đi lại.
Những thách thức mà du khách Armenia đến EU phải đối mặt không chỉ giới hạn ở quy trình xin thị thực. Ngay cả sau khi có được thị thực Schengen, một số người Armenia tiết lộ rằng họ gặp khó khăn khi đến quốc gia mà họ có thị thực. Bulgaria, quốc gia gần đây đã gia nhập Khu vực Schengen, đã bị chỉ trích vì sự cứng rắn trong việc tiếp nhận người Armenia. Trong những tháng gần đây, một số công dân Armenia cố gắng nhập cảnh vào Bulgaria bằng thị thực hợp lệ đã bị từ chối nhập cảnh. Các báo cáo cho thấy rằng chính quyền khu vực biên giới Bulgaria đã thẩm vấn một số lượng lớn du khách Armenia trong thời gian dài, dẫn đến khiếu nại rằng các quy tắc về thị thực đang được áp dụng một cách tùy tiện.
Ngược lại, các viên chức EU chỉ ra rằng một số công dân Armenia đang lạm dụng chế độ thị thực bằng cách thay đổi kế hoạch đi lại của họ một cách trái phép. Bộ Ngoại giao Armenia cũng thừa nhận rằng một phần của vấn đề bắt nguồn từ thực tế là một số người Armenia xin thị thực nhập cảnh một lần cho một quốc gia nhưng sau đó vượt biên giới sang các quốc gia Schengen khác. Vấn đề này làm phức tạp thêm cuộc đối thoại về tự do hóa thị thực trong bối cảnh nhiều quốc gia thành viên EU lo ngại về vấn đề nhập cư và an ninh biên giới.