Hiệp hội thương mại ô tô Đức cho rằng việc áp thuế sẽ gây thiệt hại cho các nhà sản xuất ô tô Đức, những công ty có sự hiện diện đáng kể tại thị trường Trung Quốc. Đức hiện có thặng dư thương mại ô tô lớn với Trung Quốc. Trong khi đó, các hãng xe Italy và Pháp hầu như không có sự hiện diện tại quốc gia châu Á này.
Trung Quốc đã xuất khẩu ô tô sang nhiều quốc gia trên thế giới. Cả những người ủng hộ áp thuế lẫn các nhà phân tích thương mại đều chỉ ra rằng sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với các nhà sản xuất trong nước là lý do để áp đặt thuế.
Theo nhà phân tích Felipe Muñoz của công ty dữ liệu JATO Dynamics, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có thể sản xuất một chiếc xe với giá khoảng 5.500 USD, trong khi chi phí của các nhà sản xuất ô tô châu Âu lên tới gần 20.000 USD.
Ông Muñoz cho rằng lợi thế về chi phí này một phần là nhờ các khoản trợ cấp từ chính phủ. Bên cạnh đó, quy mô kinh tế lớn hơn, với chi phí lao động thấp hơn cũng góp phần làm giảm chi phí sản xuất. Hơn nữa, đối với xe điện, Trung Quốc đã đảm bảo được chuỗi cung ứng pin, điều mà phần còn lại của thế giới chưa làm được.
Trung Quốc đã tái đề xuất đàm phán với Ủy ban châu Âu (EC) để giải quyết bất đồng về kinh tế và thương mại, nhằm giảm các mức thuế sắp tới Liên minh châu Âu (EU) áp dụng đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc.
Trong cuộc họp với quan chức cấp cao về thương mại của EC ngày 9/9, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Li Fei cho biết, Trung Quốc sẵn sàng tham gia đối thoại và tham vấn.
Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh vấn đề trợ cấp đối với xe điện Trung Quốc khá "phức tạp" và đặt ra nhiều thách thức lớn để đạt được thỏa thuận. Theo Bộ này, Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục hợp tác chặt chẽ với phía EU để đạt được một giải pháp phù hợp với lợi ích chung và tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và EU.