Trả lời phỏng vấn độc quyền với hãng tin AFP của Pháp, Thủ tướng Kurz cho rằng kế hoạch phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn bắt buộc mà EC đưa ra trước đây đã "thất bại" do không được nhiều nước ủng hộ. Ông nhấn mạnh EU chỉ có thể cùng nhau giải quyết vấn đề người di cư bằng cách tăng cường bảo vệ an ninh biên giới, hợp tác chống nạn buôn người và cung cấp sự viện trợ cần thiết cho người di cư.
Phát biểu của nhà lãnh đạo Áo được đưa ra trong bối cảnh dự kiến trong ngày 23/9, EU sẽ công bố đề xuất mới về chính sách tị nạn. Ủy viên Nội vụ châu Âu Ylva Johansson muốn 27 quốc gia thành viên chia sẻ trách nhiệm với người di cư ở Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha. Do đó, bà đã một lần nữa nêu đề xuất áp đặt hạn ngạch tiếp nhận bắt buộc trên toàn liên minh. Trong khi đó, tuần trước, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết đề xuất mới sẽ bao gồm các kế hoạch nhằm siết chặt an ninh biên giới và hồi hương những người không được cấp quy chế tị nạn, cũng như một cơ chế mới nhằm nêu cao "tinh thần đoàn kết mạnh mẽ" trong EU.
Kế hoạch nhằm thúc đẩy việc cho ra đời một thỏa thuận mới liên tục bị trì hoãn do bất đồng giữa các quốc gia thành viên EU xung quanh vấn đề phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người xin tị nạn thống nhất trong toàn liên minh. Các nước như Áo, Ba Lan, Hungary, CH Séc và Slovakia không chấp thuận một hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn bắt buộc. Ngoài ra, còn một số vấn đề khác cũng tạo rào cản cho việc cải cách chính sách di trú.
Tranh cãi về chính sách di trú của EC đã nóng trở lại sau khi hồi đầu tháng này xảy ra các vụ hỏa hoạn tại trại tị nạn Moria trên đảo Lesbos của Hy Lạp khiến hàng nghìn người di cư rơi vào cảnh "màn trời chiếu đất". Giới chức Hy Lạp đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 4 tháng tại hòn đảo này.
Kể từ khi trở thành một trong những cửa ngõ chính vào châu Âu cho những người di cư từ năm 2015, Hy Lạp đã xây dựng hàng chục trung tâm tạm trú cho người di cư và tị nạn trên khắp lãnh thổ. Tuy nhiên, việc các quốc gia châu Âu tới nay mới chỉ chấp nhận một số lượng rất nhỏ người tị nạn đã khiến hàng nghìn người bị mắc kẹt vô thời hạn trong các trại tị nạn ở Hy Lạp. Chính quyền Athens thời gian qua cũng đã siết chặt các giới hạn tị nạn, đồng thời cắt giảm trợ cấp và nơi ở nhằm làm nản lòng những người muốn di cư qua nước này.