Theo hãng tin Italy ANSA, trước đó, con tàu đánh cá chở người di cư nêu trên, có nguy cơ bị chìm ngoài khơi do gặp gió lớn, đã được lực lượng phòng vệ biển Italy lai dắt vào cảng tại đảo Lampedusa. Trước khi được chuyển tới một trung tâm tiếp nhận khẩn cấp trên đảo, những người di cư chưa xác định được quốc tịch trên, đều phải đo thân nhiệt, một trong những biện pháp sàng lọc những người có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo ông Toto Martello, hiện đảo đang tiếp nhận tới 1.160 người di cư, gấp 10 lần sức chứa tối đa. Ông Toto Martello cho biết: "Lampedusa hiện không đủ sức để tiếp nhận cũng như xử lý được tình hình khi số người đến đảo ngày càng nhiều".
Người đứng đầu đảo Lampedusa tuyên bố hoặc Chính phủ Italy phải đưa ra những quyết định khẩn cấp ngay lập tức, hoặc cả đảo sẽ tiến hành đình công bởi "chúng tôi không thể xoay xở được và tình hình hiện nay thực sự mất ổn định".
Cùng ngày, trên trang Facebook cá nhân, người đứng đầu vùng Sicily, đảo lân cận Lampedusa, ông Nello Musumeci viết rằng Lampedusa không thể tiếp tục tiếp nhận người di cư thêm nữa, khẳng định sẽ đề nghị chính phủ triệu tập một cuộc họp thảo luận về cuộc khủng hoảng y tế và nhân đạo trên các đảo này liên quan tới vấn đề người di cư. Theo ông, vùng Sicily không thể tiếp tục phải trả giá cho "sự thờ ơ của Brussels và sự im lặng của Rome".
Tuần trước, ông Musumeci đã ban hành quyết định đóng cửa các trung tâm tiếp nhận người di cư tại Sicily nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, song động thái này đã bị tòa án Italy bác bỏ.
Ngày 28/8, khoảng 30 thuyền nhỏ, chở hơn 500 người di cư, chủ yếu từ bờ biển Tunisia, đã cập đảo Lampedusa. Hiện vẫn còn một tàu nhân đạo gần đảo Lampedusa đang cứu hộ 350 người di cư khác cũng đang tìm cách cập một cảng của Italy. Chính quyền các đảo của Italy lo ngại sự hiện diện của người di cư sẽ ảnh hưởng tới việc phát triển du lịch..
Đầu tháng này, các tổ chức nhân đạo cho biết sẽ nối lại hoạt động cứu người di cư trên Địa Trung Hải, sau một thời gian ngừng hoạt động do dịch COVID-19.
Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), năm ngoái, hơn 100.000 người đã tìm cách vượt Địa Trung Hải từ Bắc Phi để tới châu Âu, trong đó hơn 1.200 người đã thiệt mạng.