10 quốc gia EU nhất trí tiếp nhận 400 trẻ từ trại tị nạn Moria

Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer ngày 11/9 thông báo 10 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí tiếp nhận 400 trẻ vị thành niên không có người thân và lâm vào cảnh vô gia cư sau vụ cháy trại tị nạn Moria lớn nhất ở Hy Lạp.  

Chú thích ảnh
Người di cư bị mất nơi ở sau vụ hỏa hoạn tại trại tị nạn Moria trên đảo Lesbos, Hy Lạp, ngày 10/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu họp báo tại thủ đô Berlin, Bộ trưởng Seehofer cho biết trong 10 quốc gia trên, Đức và Pháp mỗi nước sẽ tiếp nhận khoảng 100-150 trẻ vị thành niên.  

Cùng tham gia họp báo, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Margaritis Schinas nhấn mạnh rằng thảm kịch cháy trại tị nạn Moria trên đảo Lesbos là lời nhắc nhở mạnh mẽ, đồng thời đặt ra bài toán cấp thiết đối với EU trong việc cải cách chính sách di trú của liên minh này. Ông Schinas cũng khẳng định EC sẽ đưa ra các đề xuất cho một thỏa thuận mới về vấn đề di cư và tị nạn vào ngày 30/9 tới. Ngoài ra, Phó Chủ tịch EC cho rằng tất cả các nước thành viên EU đều phải nêu cao tinh thần đoàn kết trong việc gánh vác trách nhiệm tạo nơi nương náu cho những người xin tị nạn, thay vì chỉ phó mặc cho các nước được coi là khu vực cửa ngõ đối với người di cư và tị nạn hoặc phó mặc cho các nước lớn như Đức.   

Kế hoạch nhằm thúc đẩy việc cho ra đời một thỏa thuận mới liên tục bị trì hoãn do bất đồng giữa các quốc gia thành viên EU xung quanh vấn đề phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người xin tị nạn trên toàn khối. Các nước như Ba Lan, Hungary, CH Séc và Slovakia không chấp thuận một hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn bắt buộc. Ngoài ra, còn một số vấn đề khác cũng tạo rào cản cho việc cải cách chính sách di trú.  

Trong hai ngày 8 và 9/9 vừa qua đã xảy ra các vụ hỏa hoạn tại trại tị nạn Moria. Cho đến nay đã bước sang ngày thứ 3 liên tiếp, dù Chính phủ Hy Lạp đã dựng hàng nghìn lều bạt tạm thời cho người di cư, nhưng vẫn có hàng nghìn trường hợp khác phải sống trong cảnh "màn trời chiếu đất", phải ngủ trên đường hoặc tại các khu đất gần trại tị nạn Moria. 

Kể từ khi trở thành một trong những cửa ngõ chính vào châu Âu cho những người di cư từ năm 2015, Hy Lạp đã xây dựng hàng chục trung tâm tạm trú cho người di cư và tị nạn trên khắp lãnh thổ. Tuy nhiên, việc các quốc gia châu Âu tới nay mới chỉ chấp nhận một số lượng rất nhỏ người tị nạn đã khiến hàng nghìn người bị mắc kẹt vô thời hạn trong các trại tị nạn ở Hy Lạp. Chính quyền Athens thời gian qua cũng đã siết chặt các giới hạn tị nạn, đồng thời cắt giảm trợ cấp và nơi ở nhằm làm nản lòng những người muốn di cư qua nước này.

Minh Tâm (TTXVN)
 Giải cứu hàng chục người di cư vượt eo biển Manche từ Pháp sang Anh
Giải cứu hàng chục người di cư vượt eo biển Manche từ Pháp sang Anh

Bỏ qua những nguy hiểm rình rập trên hành trình vượt biển, nhiều người di cư bất hợp pháp từ các nước nghèo khó và xung đột tại Trung Đông, Bắc Phi vẫn bằng mọi cách vượt eo biển Manche để từ Pháp sang Anh, gây áp lực không nhỏ cho cả hai nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN