Theo quan chức đàm phán của hai bên, thỏa thuận mang tính quyết định này đạt được sau nhiều nỗ lực, khép lại một giai đoạn gần 9 tháng đàm phán (khởi động hồi tháng 3) và 11 giờ đàm phán xuyên đêm. Kết quả này tạo cơ sở pháp lý để Anh và EU tránh được một cuộc “ly hôn” (Anh rời EU – Brexit) trong hỗn loạn và không có thỏa thuận.
Thoả thuận này đảm bảo Anh rời EU trong êm thấm, tái định hình quan hệ giữa hai bên trong tương lai, đồng thời đảm bảo dòng hàng hoá trị giá hàng trăm tỷ USD tiếp tục được lưu thông giữa Anh và 27 nước thành viên EU.
Trước đó vào sáng 24/12, Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney thông báo thỏa thuận lịch sử được chờ đợi giữa Anh và EU sẽ chưa thể công bố vì khúc mắc nhỏ vào phút chót của văn bản thỏa thuận đánh bắt cá. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Coveney tin thỏa thuận hậu Brexit vẫn có thể được công bố ngay trong ngày 24/12 (giờ địa phương).
Giới chức EU cho biết hai bên dự kiến ký thỏa thuận thương mại hậu Brexit vào đúng đêm Giáng sinh, sau khi các nhà đàm phán nhất trí dự thảo của thỏa thuận bao gồm một điều khoản về quyền đánh bắt cá. Trong khi đó, một nguồn tin của Chính phủ Pháp tiết lộ Anh đã đưa ra những "nhượng bộ lớn" trong đàm phán Brexit, đặc biệt là những điểm rất quan trọng về quyền đánh bắt cá, nhằm tránh viễn cảnh không thỏa thuận.
Các nhóm đàm phán EU và Anh đã làm việc vào cuối ngày 23/12 để hoàn thiện nội dung của thỏa thuận. Thỏa thuận sẽ chính thức hoàn tất việc tách Anh khỏi EU sau gần 5 năm diễn ra cuộc trưng cầu ý dân vào năm 2016.
Phát biểu tại một buổi họp báo, Thủ tướng Johnson nói: "Tôi rất vui mừng được thông báo với các bạn rằng chiều nay, chúng tôi đã hoàn tất thỏa thuận thương mại lớn nhất, có giá trị 660 tỷ bảng mỗi năm, một thỏa thuận thương mại tự do kiểu Canada giữa Vương quốc Anh và EU".
Đối với EU, người đứng đầu Chính phủ Anh nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ là người bạn của các bạn, đồng minh của các bạn, người ủng hộ của các bạn và thực sự, không bao giờ được phép quên, là thị trường số 1 của các bạn". Cũng theo Thủ tướng Johnson, Quốc hội Anh sẽ bỏ phiếu thông qua thỏa thuận thương mại hậu Brexit với EU vào ngày 30/12.
Phản ứng trước kết quả trên, 2 cựu Thủ tướng Anh - David Cameron và bà Theresa May - cùng ngày tuyên bố tin tức về thỏa thương mại với EU "rất đáng hoan nghênh". Trên mạng xã hội Twitter, ông Cameron viết: "Thỏa thuận thương mại rất đáng hoan nghênh", đồng thời cho rằng "thật tốt khi kết thúc một năm khó khăn với một số tin tức tích cực". Trong khi đó, bà May viết: "Rất hoan nghênh tin tức về việc Vương quốc Anh và EU đạt được sự nhất trí về các điều khoản của một thỏa thuận - vốn mang lại sự tin tưởng cho giới kinh doanh và giúp duy trì dòng chảy thương mại".
Trong khi đó, cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hoan nghênh lập trường thống nhất và kiên định Liên minh châu Âu (EU) dẫn đến việc hoàn tất thành công của thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Anh. Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Macron viết: "Sự thống nhất và kiên định của châu Âu đã thành công".
Theo nhà lãnh đạo Pháp, "thỏa thuận với Vương quốc Anh có vai trò quan trọng trong nỗ lực bảo vệ các công dân của chúng ta, các ngư dân của chúng ta, những nhà sản xuất của chúng ta". Phát biểu tại buổi họp báo cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gọi thỏa thuận thương mại hậu Brexit giữa EU và Anh là một "thỏa thuận công bằng và cân bằng".
Bà von der Leyen bình luận: "Thỏa thuận này sẽ đặt nền tảng vững chắc cho một khởi đầu mới với một người bạn lâu năm. Điều đó có nghĩa là cuối cùng, chúng tôi có thể đặt Brexit lại phía sau và châu Âu sẽ tiếp tục tiến về phía trước".
Anh rời EU từ ngày 31/1/2020 nhưng hai bên duy trì mô hình quan hệ cũ cho tới hết năm 2020 để tiến hành đàm phán về quan hệ tương lai. Tuy nhiên, triển vọng đạt thỏa thuận vẫn chưa sáng rõ khi chỉ còn một tuần nữa là Anh chính thức cắt đứt mọi ràng buộc với EU mà hai bên vẫn còn bất đồng về vấn đề quyền đánh bắt cá của EU tại các vùng biển của Anh và các quy định nhằm tạo một sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp hai bên.
Mọi hoạt động trao đổi thương mại dày đặc và những mối liên hệ gần gũi khác của Anh và EU sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng nếu không có thỏa thuận tiếp nối, đe dọa làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế vốn đã khắc nghiệt vì tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Thỏa thuận lịch sử này sẽ cần được các nước thành viên EU và nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn, một quá trình dự kiến sẽ mất vài ngày. Tuy nhiên, về mặt lý thuyết các bên có đủ thời gian để hoàn tất quá trình này.