Ấn Độ 'trải thảm đỏ' đón các công ty rút khỏi Trung Quốc vì thương chiến với Mỹ

Ấn Độ đang tính dành nhiều ưu đãi tài chính nhằm thu hút các công ty chuyển từ Trung Quốc sang trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Chú thích ảnh
Xe tải vận chuyển container tại cảng Thanh Đảo tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc tháng 12/2018. Ảnh: China Daily

Một nguồn tin giấu tên tiết lộ với báo Bloomberg rằng các ưu đãi tài chính như thuế suất ưu đãi và 'ngày lễ thuế' là hai trong nhiều biện pháp được Chính phủ Ấn Độ xem xét. Theo một tài liệu của Bộ Thương mại Ấn Độ được các phương tiện truyền thông đăng tải, các ngành xác định được hưởng ưu đãi thuế bao gồm ngành điện tử, thiết bị tiêu dùng, xe điện, giày dép và đồ chơi.

Những nỗ lực này là một phần trong kế hoạch dài hơi của Bộ Thương mại Ấn Độ nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu. Kế hoạch sẽ giúp Ấn Độ phát triển cơ sở sản xuất và tạo điều kiện thuận lợi cho sáng kiến “Make in India” của Thủ tướng Narendra Modi. Đây là chương trình nhằm mục đích thúc đẩy lĩnh vực sản xuất của quốc gia Nam Á này.

Theo hãng tin RT, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Kế hoạch mới có thể giúp New Delhi thu hẹp thâm hụt thương mại khổng lồ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Dựa trên báo cáo của đơn vị giám sát chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI ở Ấn Độ, các khoản đầu tư đến từ công ty Trung Quốc có thể đa dạng hóa trong nhiều lĩnh vực khác nhau tại thị trường Ấn Độ, bao gồm sản xuất điện thoại thông minh và linh kiện, thiết bị tiêu dùng, xe điện và phụ tùng, cũng như đồ dùng hàng ngày. 95% trong số các mặt hàng đó đã được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Chính phủ Ấn Độ xác định hơn 150 mặt hàng mà các nhà xuất khẩu có thể tăng cường kinh doanh với Trung Quốc. Các mặt hàng bao gồm khoai tây đóng gói, sợi xơ tổng hợp, may mặc, động cơ thủy lực…

Hiện Mỹ và Trung Quốc đang rơi vào vòng xoáy chiến tranh thương mại tốn kém chưa có hồi kết, gây áp lực cho các thị trường và thiệt hại nền kinh tế thế giới.

Mỹ đã áp đặt mức thuế 25% đối với số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc, đồng thời đe dọa sẽ áp thuế lên tới 325 tỷ USD với số hàng hóa nhập khẩu còn lại, trừ phi hai bên đạt được thỏa thuận. Đáp lại, Trung Quốc cũng áp thuế 60 tỷ USD với hàng hóa Mỹ.

Các cuộc đàm phán song phương nhằm tìm kiếm một thỏa thuận giúp giải quyết mâu thuẫn đổ vỡ hồi tháng trước sau khi Washington cáo buộc Bắc Kinh rút lại các cam kết về việc tiến hành thay đổi kinh tế mang tính cấu trúc.

Từ đó tới nay, các hoạt động trao đổi giữa hai bên diễn ra hạn chế. Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Nhật Bản. Đây là cơ hội lớn để hai bên tìm một giải pháp cho cuộc chiến.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Giới chức Mỹ: Thỏa thuận thương mại với Trung Quốc đã hoàn tất 'khoảng 90%'
Giới chức Mỹ: Thỏa thuận thương mại với Trung Quốc đã hoàn tất 'khoảng 90%'

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thông báo thỏa thuận thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đã hoàn tất "khoảng 90%".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN