Bộ Y tế liên bang Ấn Độ cho biết tính tới 7h00 (giờ địa phương), khoảng 1.043.534 nhân viên y tế đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 trong khuôn khổ chương trình tiêm chủng quốc gia. Trong 24 giờ qua, 237.050 người đã được tiêm phòng tại 4.049 điểm tiêm chủng của nước này.
Trước đó, ngày 21/1, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan cho biết vaccine phòng COVID-19 hoàn toàn an toàn và hiệu quả. Những vaccine này sẽ chứng tỏ là phương pháp cuối cùng đẩy lùi dịch bệnh.
Theo chiến dịch tiêm chủng của Ấn Độ được bắt đầu từ ngày 16/1 vừa qua, 30 triệu nhân viên ở tuyến đầu chống dịch bao gồm y bác sĩ, nhân viên vệ sinh và an ninh là những đối tượng được tiêm vaccine đầu tiên. Tiếp theo là khoảng 270 triệu người thuộc các nhóm trên và dưới 50 tuổi hoặc có rủi ro cao về sức khỏe do có sẵn bệnh nền.
Hiện, Ấn Độ là nước có số ca mắc COVID-19 nhiều thứ hai thế giới (sau Mỹ) với 10.626.200 ca, trong đó có 153.067 ca tử vong.
Cùng ngày, Myanmar đã tiếp nhận 1,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19 do Ấn Độ cung cấp để tiêm chủng cho 750.000 người. Đây là đợt giao vaccine đầu tiên cho Myanmar trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang nỗ lực chống dịch.
Theo người phát ngôn của Bộ Y tế Myanmar Khin Khin Gyi, vaccine của Ấn Độ sẽ được trữ tại các phòng làm lạnh đặc biệt ở thành phố Yangon trước khi được phân phối đến các điểm tiêm phòng vào tuần tới.
Theo chương trình tiêm chủng của nước này, các nhân viên y tế sẽ là đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine đầu tiên, tiếp đó là người cao tuổi.
Mặc dù vậy, ông Khin Khin Gyi vẫn kêu gọi người dân Myanmar tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Ấn Độ đã tặng hàng triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho một loạt nước ở châu Á. Các liều vaccine phòng COVID-19 của hãng dược AstraZeneca do Viện Serum của Ấn Độ sản xuất đã được chuyển tới các nước như Maldives, Bhutan, Bangladesh và Nepal.