Theo hãng tin Reuters, tuần trước, 18 bộ chủ chốt của chính phủ Ấn Độ, dẫn đầu là Bộ thương mại liên bang, đã nhóm họp để thảo luận các bước đầu tiên nhằm cắt giảm các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, vốn chiếm gần 1/3 thâm hụt thương mại của Ấn Độ.
Ấn Độ đã cố gắng giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc kể từ năm 2020, khi căng thẳng hai nước bùng phát dọc biên giới tranh chấp. Tuy nhiên, nỗ lực này không mấy thành công vì Trung Quốc là nhà cung cấp hàng hóa giá rẻ và chủ chốt, bao gồm các thành phần dược phẩm hoạt tính, thiết bị điện và một số hóa chất, cho Ấn Độ.
Do nhu cầu trong nước của Ấn Độ về hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc tăng cao trong khi các lệnh phong tỏa do COVID-19 ở Trung Quốc lại hạn chế hàng nhập khẩu từ Ấn Độ nên trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 12/2022, khoảng cách thương mại giữa Ấn Độ với Trung Quốc đã tăng 28%.
Một quan chức Ấn Độ cho biết chính phủ đang xem xét đẩy mạnh các cuộc điều tra để loại bỏ các hành vi không công bằng đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và các nơi khác. Tuy nhiên, vị quan chức này không nêu rõ hàng hóa nào hoặc các hành vi không công bằng đó là gì.
Nguồn tin trong ngành cho biết từ đầu năm đến nay, các cuộc điều tra chống bán phá giá tập trung vào các sản phẩm như bảng mạch in và một loại kính cường lực nhập khẩu từ Trung Quốc.
Quan chức này cho biết nếu một đối tác thương mại bị phát hiện có hành vi không công bằng, thì cần phải đưa ra các biện pháp bảo vệ như áp thuế chống bán phá giá.
Bộ thương mại liên bang của Ấn Độ và đại sứ quán Trung Quốc tại New Delhi hiện vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về thông tin trên.
Dữ liệu của chính phủ cho thấy tổng xuất khẩu hàng hóa của Ấn Độ đã giảm 12% trong tháng 12 so với một năm trước đó, trong khi nhập khẩu hàng hóa giảm 3%, khiến mức độ thâm hụt tăng thêm 13%.
Các quan chức cho biết Ấn Độ cũng sẽ tăng cường kiểm tra hàng hóa nhập khẩu để đảm bảo chúng tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia.