Không giống những năm trước, mùa Đông năm nay không đem đến nhiều hy vọng cho Gyalson – một thương nhân sống tại Demchok, một trong số ít ngôi làng còn sót lại của Ấn Độ tại vùng biên giới Ladakh.
Cuộc sống vốn dĩ đã rất khó khăn với người dân tại địa hình núi cao hẻo lánh này, với nhiệt độ có thể giảm xuống -40 độ C. Tuy nhiên, với những thương nhân như Gyalson (47 tuổi), mùa đông là mùa làm ăn. Tuyết rơi dày và tình trạng lở đất đã cắt đứt liên lạc giữa các ngôi làng và thủ phủ Leh cách đó khoảng 300 km về phía Tây. Điều này đồng nghĩa với việc người dân buộc phải tìm thị trường bên phía Trung Quốc.
Gần một nửa thế kỷ Ấn Độ và Trung Quốc liên tục đối đầu, thậm chí còn lao vào một cuộc chiến để đánh dấu ranh giới phân chia. Tuy nhiên, tại Ladakh, các tuyến đường thương mại kết nối hai bên không bị đóng lại. Điều này cho phép hoạt động giao thương giữa các làng biên giới nở rộ.
Khi con sông Indus gần làng đóng băng cũng là lúc Gyalson thường dẫn bầy thú băng qua Trung Quốc với đầy những hàng hóa như trái cây khô, bột mỳ, gia vị, len thô và gạo. Trong nhiều tháng trước đó, ông nuôi bò và ngựa thồ để chuẩn bị cho cuộc hành trình dài.
“Tôi mất một ngày mới đưa được hàng hóa sang bên Trung Quốc, tới một nơi được gọi là Dumchelle. Tại đó, các thương nhân khác cùng hàng hóa của họ cũng có mặt. Nó giống như một khu chợ mà chúng tôi trao đổi hàng hóa với người Trung Quốc. Khi kiếm được hàng hóa mình cần, chúng tôi chất lên ngựa và di chuyển về làng”, Gyalson cho biết. Các loại hàng hóa mà Gyalson thường đổi là giày dép, thảm, chăn, quần áo, thiết bị điện tử…
“Mùa hè, chúng tôi gom đồ từ khắp Ladakh, những thứ mà chúng tôi có thể bán cho người Trung Quốc vào mùa đông. Khi trở về làng mang theo đồ Trung Quốc, chúng tôi sẽ bán cho các cửa hàng bán lẻ trong thành phố Leh”, thương nhân 47 tuổi chia sẻ.
Đối với nhiều người tại Ladakh, đây là cách duy nhất để họ kiếm sống, và hoạt động trao đổi như này kéo dài hàng chục năm qua mà không bị bất kỳ điều gì làm cho gián đoạn.
Nhưng năm nay, mọi thứ đều thay đổi. Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc bị mắc kẹt trong một cuộc đối đầu phức tạp. Căng thẳng âm ỉ trong 3 năm qua và bùng phát vào tháng 6, khi ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong một cuộc đụng độ.
“Chúng tôi được quân đội yêu cầu tránh xa biên giới, và hoạt động thương mại không chính thức không được phép diễn ra”, một thương nhân tên Dorjay (38 tuổi) cho hay, “Vào mùa Đông, tôi thường kiếm được 1 triệu rupee (155 triệu đồng). Số tiền đó có thể đủ để cả gia đình tôi sống trong một năm”.
Tashi Chhepal - một cựu sĩ quan quân đội Ấn Độ từng phục vụ ở miền Đông Ladakh – nghĩ lại về khoảng thời gian hoạt động buôn bán được tiến hành với sự đồng thuận ngầm của hai bên quân đội.
“Chúng tôi có thể nhìn thấy các thương nhân nước mình băng qua phía bên kia, và các thương nhân Trung Quốc sẽ sang bên đây. Các gian hàng tạm được dựng lên và khu vực trở thành một khu chợ tấp nập”, Chhepal tiết lộ ông cũng thường xuyên mua thảm và bình nước giữ nhiệt của Trung Quốc tại các khu chợ như này.
Trong những năm qua, việc buôn bán phát triển đến mức các thương nhân Trung Quốc còn chở hàng hóa đến biên giới bằng xe tải. Đôi khi, những cây cầu tạm được xây dựng và việc trao đổi sẽ kéo dài qua cả mùa đông.
Người dân địa phương nói rằng trong nhiều năm qua, quân đội của cả hai nước sẽ gặp nhau vào mùa hè ở Dumchelle và quyết định ngày tổ chức các khu chợ thương mại. Romesh Bhattacharji, một cựu nhân viên hải quan ở Ladakh, mô tả hoạt động thương mại xuyên biên giới là một hoạt động kinh doanh “được tổ chức rất tốt” và “đem lại lợi nhuận”.
“Phần lớn người dân ở những ngôi làng này hoàn toàn phụ thuộc vào nghề buôn bán”, ông Bhattacharji ước tính hoạt động thương mại tại đây trị giá khoảng 300 triệu rupee vào năm 2003, và kể từ đó đến nay, giá trị sẽ phải tăng lên gấp nhiều lần.
Các thương nhân cho biết họ đã yêu cầu Chính phủ Ấn Độ chính thức hóa hoạt động buôn bán. Năm ngoái, hai nước đã gần đạt được một thỏa thuận về mục tiêu này. Quân đội Ấn Độ thậm chí đã phê duyệt việc mở một điểm giao thương với Trung Quốc tại Dumchelle. Đây được coi là cách thức xây dựng lòng tin trước chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 10/2019.
Tuy nhiên, những bất ổn ở biên giới đã khiến quá trình trên bị dừng lại. “Kể từ khi căng thẳng leo thang ở biên giới, cuộc sống của chúng tôi trở nên khó khăn. Công việc buôn bán này là kế sinh nhai của chúng tôi”, Gyalson ngậm ngùi cho biết nhiều người đã phải tìm đến các lựa chọn công việc khác.