Đầu tư 500 triệu USD mua lại Current TV, tập đoàn truyền thông Al-Jazeera có trụ sở tại Qatar đã chính thức bắt đầu cuộc chinh phục thị trường Mỹ trong ngày đầu năm mới 2013.
Trong vòng 90 ngày tới, Current TV – kênh truyền hình do cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore đồng sáng lập – sẽ chính thức trương biển hiệu Al-Jazeera America trong mục tiêu mở rộng vùng bao quát tin tức ngay tại nước Mỹ, phục vụ 260 triệu khách thuê bao nước ngoài của tập đoàn này.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Sinh sau đẻ muộn (thành lập năm 1996), nhưng Al-Jazeera nổi khá nhanh trong làng truyền thông thế giới nhờ những phóng sự tin tức nóng hổi và các giải thưởng danh giá mà các phóng viên của kênh truyền hình này được trao tặng. Những gì mạng truyền hình liên Arab này còn thiếu chỉ là sự hiện diện đáng kể tại nước Mỹ.
Nhưng điều đó sẽ thay đổi kể từ năm 2013 khi Al-Jazeera bỏ ra 500 triệu USD mua lại Current TV, thương vụ còn mang về cho tập đoàn này 50 triệu hộ gia đình khách hàng của Current TV.
Không những vậy, nằm trong kế hoạch mở rộng hoạt động tại Mỹ, Al-Jazeera sẽ tuyển mộ thêm nhiều nhà báo bản địa và nâng gấp đôi thời lượng bản tin về nước Mỹ so với hiện nay.
Tuy nhiên, cũng có nhiều thách thức đặt ra cho Al-Jazeera, tập đoàn thuộc sở hữu của chính phủ Qatar. Hãng truyền thông này sẽ cạnh tranh ra sao tại một thị trường vốn đã quá chật chội về số lượng truyền hình cáp tin tức ? Al-Jazeera sẽ phải làm gì để xóa đi những ấn tượng tiêu cực của một hãng truyền hình đã phát đi tiếng nói của trùm khủng bố Osama Bin Laden sau các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 ?
Giáo sư ngành truyền thông thuộc trường Đại học Pennsylvania và là chuyên gia về truyền thông Arab, Marwan Kraidy, cho rằng Al-Jazeera cần phải xóa nhòa ý niệm của một số người Mỹ về một “thương hiệu truyền thông độc hại”.
Giáo sư Kraidy nhận định: “Thị trường Mỹ ví như một quả hồ đào rắn mà họ muốn đập vỡ, và đó là lý do tại sao họ (Al-Jazeera) đã rất kiên trì theo đuổi thương vụ mua Current TV. Một quốc gia nhỏ bé như Qatar có quá ít công cụ để gây ảnh hưởng toàn cầu, và họ đã nhận ra rằng truyền thông là một trong những công cụ đó”. Cũng theo Giáo sư Kraidy, quan điểm chống Al-Jazeera của người Mỹ là không hợp lý, bởi chính sách đối ngoại của Qatar “là song hành cùng các chính sách của Mỹ trong thời điểm này”.
Theo Giáo sư về phát thanh và truyền thông trực tuyến thuộc Viện Poynter, Al-Tompkins, thay vì cái nhìn tiêu cực đó, khán giả Mỹ có thể thay đổi quan điểm nếu Al-Jazeera có thể tập trung ngay vào một vấn đề thời sự quốc tế lớn, và tái lặp những phóng sự khá ăn khách về cái gọi là “Mùa Xuân Arab” ở Ai Cập và Baranh. “Họ có cơ hội để thể hiện vai trò trong những vấn đề thời sự quốc tế lâu nay chưa được hé mở. Và chúng ta sẽ chờ xem liệu họ có thể xâm nhập được thị trường Mỹ và đưa ra những góc nhìn mà không ai có thể cung cấp”.
Theo kế hoạch, hơn một nửa nội dung thông tin của Al-Jazeera America sẽ là tin tức về nước Mỹ và trụ sở của kênh truyền hình mới này sẽ đặt ở New York.
T.L