Theo hồi tưởng của nhà báo Atika Shubert làm việc cho kênh truyền hình CNN gặp gỡ nhà sáng lập WikiLeaks 9 năm trước, ông Assange là một nhân vật có tính cách đầy thách thức. Khi được hỏi về cáo buộc tấn công tình dục tại Thụy Điển trong một cuộc phỏng vấn năm 2010, Assange không ngần ngại thể hiện sự tức giận, ném micro xuống đất và bước ra ngoài.
Lần cuối cùng nhà báo Atika gặp Assange là khi ông này đã xin được giấy phép tị nạn tại Đại sứ quán Ecuador ở London. Vào thời điểm đó, Assange còn khỏe mạnh và lạc quan rằng vẫn có thể điều hành WikiLeaks từ tòa nhà đại sứ. Tuy nhiên, ông không ngờ mình lại bị “giam lỏng” tại đó lâu đến vậy.
Trong một vài tuần đầu ở Đại sứ quán Ecuador, Assange thậm chí không có cửa sổ riêng để nhìn ra ngoài. Ông phải lắp đặt một ngọn đèn lớn để mô phỏng ánh sáng tự nhiên. Ông cũng không được tắm giặt đầy đủ. Assange mô tả mình sống như trong một con tàu vũ trụ. Thi thoảng mới có một vài vị khách tới thăm, và bạn của ông đã phải đem đến một con mèo để bầu bạn. Song mọi thứ theo lời kể của ông chủ WikiLeaks cũng dần được thích nghi.
Từng được báo Anh Daily Telegraph phỏng vấn qua Skype vào năm 2013, nhà sáng lập người Australia đã vẽ nên một bức tranh về cuộc sống trong đại sứ quán đầy “thơ mộng”. Ông có quyền truy cập Internet (đến tháng 3/2018, quan chức Ecuador mới cắt đường truyền Internet tại nơi ở của ông Assange), một phòng ngủ riêng, một căn bếp nhỏ và một máy tập chạy bộ.
Assagne cho biết các nhân viên đại sứ quán “giống như người thân trong gia đình”. “Chúng tôi ăn trưa cùng nhau, tổ chức sinh nhật cho mọi người và nhiều thứ khác nhưng tôi không muốn đi sâu vào chi tiết vì lý do an ninh”, Assange trả lời báo Daily Telegraph.
Tuy nhiên, theo phát biểu mới nhất của Tổng thống Ecuador Luis Moreno, nguyên do dẫn đến việc nước này quyết định hủy quy chế tị nạn và đuổi ông Assange ra khỏi Đại sứ quán là do những hành vi “khiêu khích và khiếm nhã” của Assange khi sinh sống tại đây.
“Ngày hôm nay tôi thông báo chính những hành vi khiêu khích và khiếm nhã của ông Julian Assange, lời lẽ thù địch và mang tính đe dọa từ tổ chức của ông và đặc biệt là sự vi phạm của các bên đã dẫn tới việc qui chế tị nạn cho ông Assange là không thể kéo dài thêm nữa. Mức độ kiên nhẫn của Ecuador đã đến giới hạn. Ông ta lắp đặt các thiết bị điện khi không được phép. Ông ta chặn các máy quay an ninh của tòa nhà Đại sứ quán tại London”, Tổng thống Moreno phát biểu ngày 12/4.
Sau khi bị trục xuất khỏi Đại sứ quán Ecuador tại London, ông Assange ngày 11/4 đã bị cảnh sát Anh bắt giữ và đưa ra trình diện tại tòa án Westminster ở thủ đô London. Tại phiên tòa, thẩm phán đã kết tội ông Assanger vi phạm điều khoản bảo lãnh tại ngoại vào năm 2012 sau khi có yêu cầu dẫn độ của Thụy Điển về cáo buộc ông xâm hại tình dục phụ nữ. Ông Assanger có thể sẽ đối mặt với án tù lên tới 12 tháng về tội danh này.
Hiện ông Assanger cũng bị các công tố viên Mỹ buộc tội âm mưu xâm nhập máy tính chứa nhiều thông tin tuyệt mật của Chính phủ Mỹ cùng nhà phân tích tình báo quân đội Mỹ Chelsea Manning năm 2010. Nếu bị kết án tại Mỹ, ông Assange có thể sẽ phải chịu mức án cao nhất là 5 năm tù giam. Việc ông Assange bị bắt giữ tại Anh cũng đã mở đường cho khả năng ông này bị dẫn độ về Mỹ theo hiệp ước dẫn độ giữa hai nước. Tuy nhiên, Chính phủ Anh từng cam kết bằng văn bản với Ecuador đảm bảo ông Assange sẽ không bị dẫn độ sang một nước có án phạt tử hình.