Phát biểu với báo giới ngày 12/4, Thủ tướng Morrison cho biết Chính phủ Australia đã nhận được đề nghị hỗ trợ lãnh sự từ phía ông Assange, song khẳng định người sáng lập WikiLeaks sẽ không được đối xử đặc biệt, mà sẽ được đối xử tương tự như bất kỳ công dân Australia nào khác trong những tình huống như vậy. Thủ tướng Morrison nói thêm rằng khi công dân Australia ra nước ngoài và gặp phải vấn đề với pháp luật sở tại, họ sẽ phải đối mặt với các hệ thống pháp lý ở các quốc gia đó.
Tòa án Magistrates Westminster ở thủ đô London ngày 11/4 đã kết tội ông Assanger vi phạm điều khoản bảo lãnh tại ngoại vào năm 2012. Ông Assanger có thể sẽ đối mặt với án tù lên tới 12 tháng về tội danh này. Tòa cũng tuyên bố sẽ xét xử riêng về yêu cầu dẫn độ ông Assange sang Mỹ trong một phiên khác diễn ra vào ngày 2/5 tới.
Hiện Mỹ đang đề nghị dẫn độ ông Assanger do nghi ngờ ông này câu kết với nhà phân tích tình báo quân đội Mỹ Chelsea Manning âm mưu làm rõ rỉ các dữ liệu mật. Bộ Tư Pháp Mỹ lập tức ra thông báo cho biết ông Assange bị cáo buộc âm mưu đột nhập vào một máy tính của Chính phủ Mỹ khi WikiLeaks tiết lộ hàng trăm nghìn tài liệu quân sự tuyệt mật của Mỹ về cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq hồi năm 2010. Nếu bị kết án, ông Assange sẽ phải đối mặt với mức tù giam 5 năm. Các chuyên gia luật nhận định nhà sáng lập WikiLeaks sẽ còn phải đối mặt với nhiều cáo buộc khác trong thời gian tới.
Từ tháng 6/2012, ông Assange đã sống tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador ở London để tránh bị dẫn độ về Thụy Điển xét xử với cáo buộc xâm hại tình dục. Quan hệ giữa ông Assange và Chính phủ Ecuador được cho là xấu đi sau khi ngày 8/4, Chính phủ Ecuador thông báo sẽ điều tra nhà sáng lập WikiLeaks vì tình nghi liên quan tới việc làm rò rỉ thông tin về cuộc sống gia đình của Tổng thống Lenin Moreno.