Bộ trưởng Nội vụ Ecuador Maria Paula Romo cho biết đây là một cộng tác viên thân cận của ông Assange nhưng không tiết lộ tên hay thông tin nhận diện về người này. Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Ecuador cũng tuyên bố giới chức nước này đã thu thập đủ chứng cứ xác định một cộng tác viên của ông Assange đang sinh sống tại Ecuador tham gia vào một âm mưu nhằm phá hoại chính phủ của Tổng thống Lenin Moreno. Bà này cho biết cộng tác viên của ông Asange cũng từng có mối liên hệ mật thiết với cựu Ngoại trưởng Ecuador Ricardo Patino, người đã cấp qui chế tị nạn chính trị cho ông Assange năm 2012.
Trước đó, cảnh sát Anh xác nhận bắt giữ nhà sáng lập 47 tuổi của WikiLeaks. Lực lượng này cũng cho biết họ đã được mời vào bên trong Đại sứ quán Ecuador tại London để thi hành lệnh bắt giữ sau khi Chính phủ Ecuador rút quy chế tị nạn với ông Assange. Trong phiên tòa diễn ra sau đó tại tòa án Westminster ở thủ đô London, thẩm phán đã kết tội ông Assanger vi phạm điều khoản bảo lãnh tại ngoại vào năm 2012 sau khi có yêu cầu dẫn độ của Thụy Điển về cáo buộc ông xâm hại tình dục phụ nữ. Ông Assange có thể sẽ đối mặt với án tù lên tới 12 tháng về tội danh này. Tòa cũng tuyên bố sẽ xét xử riêng về yêu cầu dẫn độ ông Assange sang Mỹ trong một phiên khác diễn ra vào ngày 2/5 tới.
Từ tháng 6/2012 đến nay, nhà sáng lập WikiLeaks Assange, quốc tịch Australia, đã sống tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador ở London để tránh bị dẫn độ về Thụy Điển xét xử với cáo buộc xâm hại tình dục. Ông luôn bác bỏ cáo buộc trên và từ chối ra khỏi Đại sứ quán Ecuador dù cáo buộc này sau đó đã được gỡ bỏ vì lo ngại có thể bị bắt giữ và bị dẫn độ về Mỹ. Quan hệ giữa ông Assange và Chính phủ Ecuador được cho là xấu đi sau khi ngày 8/4, Chính phủ Ecuador thông báo sẽ điều tra nhà sáng lập WikiLeaks vì tình nghi liên quan tới việc làm rò rỉ thông tin về cuộc sống gia đình của Tổng thống Moreno.
Bị bắt giữ tại Anh, ông Assange sẽ đối mặt với nguy cơ cao bị dẫn độ về Mỹ để xét xử các tội danh liên quan tới việc tiết lộ các tài liệu bí mật quốc gia. Tại Washington, Bộ Tư Pháp Mỹ lập tức ra thông báo cho biết ông Assange bị cáo buộc âm mưu đột nhập vào một máy tính của chính phủ khi WikiLeaks tiết lộ hàng trăm nghìn tài liệu quân sự tuyệt mật của Mỹ về cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq hồi năm 2010. Nếu bị kết án, ông Assange sẽ phải đối mặt với mức tù giam 5 năm. Các chuyên gia luật nhận định nhà sáng lập WikiLeaks sẽ còn phải đối mặt với nhiều cáo buộc khác trong thời gian tới. Luật sư của ông Assange, ông Baltasar Gaon cho rằng việc Anh bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ là hành vi "ngược đãi chính trị".
Vụ bắt giữ ông Assange cũng vấp phải chỉ trích của một số quốc gia. Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, Tổng thống Bolivia Evo Morales đã lên án vụ bắt giữ. Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, nhà lãnh đạo Bolivia cho rằng đây là một sự vi phạm quyền tự do ngôn luận, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ với ông Assange. Trong khi đó, cựu Tổng thống Ecuador Rafael Correa cũng chỉ trích mạnh mẽ quyết định rút qui chế tị nạn ngoại giao và đình chỉ tư cách công dân với ông Assange, vốn được đưa ra trong nhiệm kỳ lãnh đạo của ông này.