Hậu quả lâu dàiÔng Nguyễn Văn Tuyển, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, đợt băng tuyết và giá rét đã làm gần 2.000 con gia súc và hơn 10.000 ha rau màu, cây vụ đông, cây thảo quả trên địa bàn bị chết. Các địa phương chịu nhiều thiệt hại nặng nề nhất là huyện Bát Xát, Sa Pa, Văn Bàn, Bảo Yên và TP Lào Cai. Đặc biệt, phần lớn diện tích cây thảo quả ở các địa phương (85%) do băng tuyết và giá rét kéo dài đã bị chết khô và phải mất nhiều năm nữa mới có thể phục hồi được.
Cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con cách thúc mầm để hồi sinh cho cây thảo quả. |
Ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng phòng kinh tế huyện Sa Pa cho biết, địa phương này có khoảng 4.766 ha thảo quả, được trồng dưới tán rừng già, thuộc dãy Hoàng Liên ở 18/18 xã, thị trấn. Sản lượng hằng năm đạt khoảng 900 tấn quả khô, đem lại nguồn thu khoảng hơn 100 tỷ đồng cho khoảng 4.000 hộ dân là đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày, Xa Phó… Do băng tuyết phủ dày, trong thời gian kéo dài 2-3 ngày, nhiệt độ xuống thấp đến mức kỷ lục trong 50 năm qua (âm 5 độ C) đã làm cho thảo quả bị dập, gẫy đổ và khô héo.
Theo thống kê của Phòng kinh tế Sa Pa, 100% diện tích thảo quả bị dập nát, chết khô, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Ngoài ra, từ sau rằm tháng Giêng đến nay, thời tiết nắng, hanh khô đã làm thảo quả bị chết khô hàng loạt, chỉ cần một đốm lửa nhỏ là có thể gây hỏa hoạn, trên diện rộng mà khó dập tắt lửa. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn tới vụ cháy (10/2), thiêu rụi hơn 8 ha rừng ở địa bàn giáp ranh giữa 2 thôn Tả Van Giáy và Séo Mí Tỷ của xã Tả Van, huyện Sa Pa, thuộc phần rừng đệm của Vườn Quốc gia Hoàng Liên.
Theo thống kê, tỉnh Lào Cai có gần 10.000 ha thảo quả được trồng ở 7/9 huyện, thành phố, thuộc địa bàn 66 xã vùng cao, vùng sâu của tỉnh. Với tổng sản lượng đạt khoảng 2.500 tấn quả khô, giá bán bình quân khoảng 120.000 đồng/kg quả khô, hằng năm đem về khoảng hơn 300 tỷ đồng cho hàng chục nghìn hộ nông dân, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số như: Mông, Dao, Tày, Giáy, Hà Nhì… |
Huyện Bát Xát cũng là địa phương chịu nhiều thiệt hại về thảo quả. Riêng tại xã Dền Sáng, băng tuyết và rét hại làm mất trắng 326 ha thảo quả của hơn 300 hộ đồng bào người dân tộc Dao. Anh Hoàng Kin Siểu, một nông dân trồng thảo quả ở xã Dền Sáng cho biết: “Gia đình tôi có hơn ba ha thảo quả, đợt băng tuyết làm hỏng hết, tất cả bị chết khô, thế là mất trắng nguồn thu hơn một tấn quả, trị giá hàng trăm triệu đồng. Bây giờ có chăm tốt, củ thảo quả lên mầm, chăm sóc tốt thành cây mới, thì cũng phải 3-4 năm sau mới có quả trở lại. Như vậy, trong 3-4 năm tới gia đình tôi không có nguồn thu để trang trải các chi phí trong gia đình…”.
Hiện nay, thảo quả vẫn được coi là cây “xóa đói giảm nghèo” hiệu quả của đồng bào các dân tộc ở các địa phương của Lào Cai. Do vậy, điều làm lãnh đạo nhiều địa phương lo lắng là trong 3-4 năm tới, hàng nghìn hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số, ở các xã vùng cao, vùng sâu bị mất nguồn thu hằng năm, cho đến khi cây thảo quả hồi sinh, phát triển trở lại.
Chủ động khắc phụcTrước những thiệt hại nặng nề ở các địa phương, ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai đã chủ động xây dựng phương án hỗ trợ để khắc phục hậu quả thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn.
Các hộ có gia súc (trâu, bò, ngựa) và dê bị chết rét được hỗ trợ 4 triệu đồng một con gia súc và 2 triệu đồng một con dê. Tỉnh Lào Cai cũng đề ra nguyên tắc hỗ trợ để đảm bảo giúp đồng bào sớm ổn định sản xuất. Cụ thể, đối với những hộ bị chết 100% (trâu, bò) và có dê bị chết, chỉ giải ngân hỗ trợ sau khi chủ hộ mua gia súc, dê giống để tái đàn. Đối với những hộ bị thiệt hại nhưng vẫn còn gia súc thì phải sử dụng tiền hỗ trợ để củng cố, xây dựng chuồng trại đúng tiêu chuẩn, hoặc trồng cỏ để bảo vệ đàn gia súc trong những vụ đông tới. Còn đối với những diện tích thảo quả, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với chính quyền địa phương tập trung thực hiện các biện pháp thâm canh tối đa, nhằm “cứu” thảo quả hồi sinh sau băng tuyết và rét hại.
Chính quyền các địa phương và ngành Nông nghiệp Lào Cai đang tích cực vận động người dân không chủ quan lơ là trong chăm sóc nuôi dưỡng quản lý vật nuôi sau rét đậm rét hại. Sau khi kết thúc từng đợt rét cần khẩn trương vệ sinh chuồng trại cho trâu bò thích nghi dần với khí hậu ngoài chuồng nuôi phòng chống bùng phát dịch bệnh. Thực hiện các biện pháp thú y cần thiết về tiêm phòng phòng dịch điều trị kịp thời các biện pháp phòng trừ ký sinh trùng, đảm bảo khống chế dịch bệnh trước trong và sau mỗi đợt rét đậm rét hại. Ngành Nông nghiệp cũng thử nghiệm "Mô hình chống rét cho trâu, bò bằng lò sưởi" tại xã Bản Qua huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai bước đầu có hiệu quả và được người dân địa phương hưởng ứng.