Trận rét lịch sửĐợt rét đậm, rét hại kèm theo băng giá và mưa tuyết kỷ lục tại miền Bắc đã gây nhiều thiệt hại lớn cho các địa phương, nhất là các tỉnh phía bắc: Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình, Bắc Giang, Bắc Kạn. Theo thông tin từ Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến ngày 31/1, tổng số gia súc bị chết do đói, rét tại các tỉnh miền núi phía bắc và Bắc Trung Bộ là 12.713 con; trong đó có 9.682 con trâu, bò và 3.031 con gia súc khác (dê, ngựa, lợn). Các địa phương có số lượng gia súc bị chết nhiều nhất gồm: Sơn La 3.708 con; Lạng Sơn 1.177 con; Điện Biên 982 con; Lào Cai 954 con; Lai Châu 893 con... Hiện các địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả; đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn gia súc để giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc thăm và tặng quà nhân dân xã Sa Pả huyện Sa Pa (Lào Cai) ngày 28/1/2016. Ảnh: Hồng Ninh - TTXVN |
Sau những ngày rét đậm, rét hại xảy ra, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc đã đi thăm hỏi động viên, chia sẻ với chính quyền và nhân dân, đồng bào các dân tộc huyện Sa Pa (Lào Cai), đặc biệt là những gia đình có thiệt hại lớn do thời tiết khắc nghiệt.
Thiệt hại của đợt không khí lạnh vừa qua đã tác động lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân; gây thiệt hại trực tiếp đến nguồn lực kinh tế gia đình đồng bào các dân tộc. Sau khi thiên tai xảy ra, các tỉnh trong vùng Tây Bắc đã huy động mọi nguồn lực, khẩn trương hỗ trợ bà con khôi phục sản xuất, đảm bảo đời sống; kiên quyết không để bà con đứt bữa, thiếu đói, thiếu hàng hóa, nhất là thời điểm đó nhân dân đang chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Các ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngân hàng chính sách xã hội đã nhanh chóng có biện pháp tài chính hỗ trợ vốn ưu đãi đặc thù để bà con tổ chức tái sản xuất, mua con giống, cây giống mới.
Hỗ trợ thiết thựcTheo lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, sau khi rét đậm, rét hại xảy ra, các địa phương trong vùng đã tổ chức thống kê thiệt hại, hỗ trợ kịp thời theo chính sách hiện hành để người dân sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Những trường hợp vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, các tỉnh đã khẩn trương tổng hợp thiệt hại, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ. Bên cạnh đó, các địa phương cũng hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, đồng bào dân tộc, hướng dẫn các hộ dân gia cố, che chắn chuồng trại, chủ động dự trữ thức ăn tinh, thức ăn khô như rơm, rạ, cỏ khô và bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu bò.
Hơn 23.000 gia súc của 16 tỉnh Trung du miền núi phía bắc và Bắc Trung Bộ đã bị chết do đói, rét trong đợt rét từ ngày 22/1 đến 18/2/2016, tăng hơn 21.000 con so với vụ đông xuân năm 2014-2015, thiệt hại trên 369 tỷ đồng. |
Khẩn trương tổng hợp tình hình thiệt hại, đề xuất kiến nghị của các địa phương, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất hỗ trợ các địa phương sớm khắc phục hậu quả đợt rét đậm, rét hại; chủ động ban hành hướng dẫn, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp cụ thể chống rét cho gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi khi có rét đậm, rét hại; phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc nghiên cứu, đề xuất các chính sách mới để phát triển chăn nuôi ở vùng Tây Bắc; đồng thời phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan triển khai các cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020 (theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015) vào cuộc sống để góp phần nâng cao đời sống người dân.
Để tăng cường phòng, chống, khắc phục hậu quả và phục hồi phát triển chăn nuôi sau thiên tai, Cục Chăn nuôi đề nghị các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng tập trung chỉ đạo và áp dụng mọi biện pháp để phòng, chống rét đậm, rét hại nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại đối với ngành chăn nuôi. Lãnh đạo UBND các tỉnh trong vùng Tây Bắc đã trực tiếp chỉ đạo và hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống đói, rét và di dời vật nuôi đến những nơi trú tránh rét. Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, kiểm tra, hướng dẫn người chăn nuôi cập nhật diễn biến của thời tiết địa phương, thông tin kịp thời và thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, không chủ quan và bị động.
Đồng thời, chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương để phục vụ kịp thời công tác phòng, chống rét đậm, rét hại và khắc phục hậu quả sau rét; chỉ đạo chính quyền địa phương có trách nhiệm thống kê đầy đủ số lượng gia súc, gia cầm, thủy sản bị thiệt hại và thực hiện kịp thời cho người sản xuất theo quy định để khôi phục sản xuất vùng bị thiên tai.
Cục Chăn nuôi cũng yêu cầu các địa phương tập trung hướng dẫn người chăn nuôi khai thác, tận dụng triệt để nguồn thức ăn sẵn có tại chỗ nhằm cung cấp đủ thức ăn cho gia súc trong những ngày rét. Hạn chế chăn nuôi gia súc thả rông đặc biệt trong những ngày rét đậm, rét hại, tiến tới chăn nuôi có kiểm soát. Thực hiện tiêu độc khử trùng, phòng nguy cơ có thể bùng phát dịch bệnh. Đồng thời, khuyến cáo người dân sau đợt rét đậm, rét hại về nguy cơ bệnh dịch có thể bùng phát do trong thời gian rét làm giảm khả năng chống bệnh của gia súc. Ngoài ra, các địa phương cần có kế hoạch phục hồi chăn nuôi sau rét đậm, rét hại; có kế hoạch cung cấp con giống, sản xuất, dự trữ thức ăn, gia cố chuồng trại, vật tư thú y… cho người chăn nuôi để phục hồi và phát triển chăn nuôi sau thiên tai.