Nam Phi bắt đầu tiến hành một cuộc tập trận hải quân chung với Nga và Trung Quốc vào ngày 17/2, một động thái thường lệ nhưng đã khiến phương Tây lo ngại và cảnh báo cuộc diễn tập này sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ quan trọng.
Một số quốc gia châu Phi đang kiên quyết từ chối đứng về phía nào trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc khi họ tìm cách hưởng lợi từ sự cân bằng ngoại giao. Nhưng các nhà phân tích cho rằng tổ chức cuộc tập trận hải quân (Mosi II) kéo dài 10 ngày, trùng với dịp kỷ niệm một năm ngày Moskva tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine (ngày 24/2), là một chiến lược mạo hiểm.
Ông Steven Gruzd thuộc Viện Vấn đề Quốc tế Nam Phi nhận định: "Cuộc tập trận này sẽ rất nguy hiểm. Tôi không chắc Nam Phi thực sự nhận ra những phản ứng dữ dội tiềm tàng".
Nam Phi cho biết họ duy trì quan điểm trung lập về cuộc xung đột ở Ukraine. Chỉ ra các cuộc tập trận tương tự được tổ chức với các đối tác quốc tế khác, bao gồm một cuộc tập trận với Pháp vào tháng 11 năm ngoái, họ đã bác bỏ những lời chỉ trích.
“Nam Phi, giống như bất kỳ quốc gia độc lập và có chủ quyền khác, có quyền thực hiện các mối quan hệ đối ngoại phù hợp với lợi ích quốc gia”, Bộ Quốc phòng Nam Phi cho biết vào tháng trước.
Nhưng sáu nhà ngoại giao làm việc tại Nam Phi – tất cả đều từ các nước NATO hoặc EU – nói với hãng tin Reuters rằng họ lên án cuộc tập trận. “Điều đó không đúng, và chúng tôi đã nói với họ rằng chúng tôi không ủng hộ”, một nhà ngoại giao phương Tây nói.
Vấn đề gây tranh cãi này một phần xuất phát từ động thái của Nga. Moskva đã triển khai một tàu khu trục trang bị tên lửa hành trình siêu vượt âm thế hệ mới có tên Zircon.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi loại vũ khí có thể di chuyển với tốc độ gấp 5 lần âm thanh này là "không thể đánh chặn" và hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin trong tháng này rằng tàu khu trục sẽ thực hiện một vụ phóng tên lửa huấn luyện trong cuộc tập trận.
Bộ Quốc phòng Nga đã không trả lời yêu cầu bình luận và Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Nam Phi đã bác bỏ thông tin của TASS. Nhưng phản ứng của những người phản đối việc triển khai quân của Nga ở vùng biển Nam Phi vẫn nổi lên.
Cuối tuần trước, tàu chiến mang tên lửa Zircon đã cập cảng Cape Town, hai bên sườn xuất hiện chữ Z và V - biểu tượng mà Nga sử dụng để triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine. Thị trưởng Cape Town, Geordin Hill-Lewis viết trên Twitter rằng tàu chiến này không được chào đón ở thành phố.
Nam Phi có mối quan hệ truyền thống với Nga, quốc gia ủng hộ cuộc đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc mà nhiều quốc gia phương Tây coi là đồng minh trong Chiến tranh Lạnh.
Chuyên gia Cobus van Staden thuộc Dự án Nam bán cầu - Trung Quốc cho biết: “Nga, và ở mức độ thấp hơn là của Trung Quốc, với tư cách là một đồng minh chống thực dân vẫn gây được tiếng vang ở phần lớn châu Phi, ngay cả khi những nước khác hiện có thể coi đó là lịch sử”.
Khi Nga và Trung Quốc đang tìm cách xây dựng các liên minh quốc tế mới, ông Staden cho rằng châu Phi đang trở nên nổi bật vì đây là nơi mà một số quốc gia mong muốn có những lựa chọn thay thế cho quyền bá chủ của phương Tây.
Ví dụ, Nam Phi đánh giá rất cao vị trí của mình trong khối BRICS cùng với Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, đồng thời ủng hộ các kế hoạch mở rộng thành viên và gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, phương Tây cảnh báo rằng có một rủi ro là chính sách đối ngoại của Nam Phi nguy cơ làm suy yếu lợi ích kinh tế của mình. Một đại sứ châu Âu nói với Reuters: “Một số công ty đã hỏi chúng tôi rằng liệu việc hợp tác kinh doanh với Nam Phi có còn an toàn hay không, vì họ sợ những hậu quả có thể xảy ra”.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại song phương hàng đầu của châu Phi, nhưng EU cho đến nay là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nam Phi. Theo dữ liệu của Nam Phi, thương mại hai chiều với EU lên tới khoảng 53 tỷ USD vào năm ngoái, so với hơn 750 triệu USD với Nga.