Thơ tình trong ngăn cặp

Không biết vì sao nhưng cánh học trò ngày trước rất hay chép thơ tình vào sổ tay, nhiều đứa cầu kỳ còn tô vẽ chữ, vẽ hoa lá, vẽ trái tim trang trí cho trang thơ.

Một lần, khi gặp nhạc sĩ-nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha để viết bài về cuốn sách “Trường ca ngắn-kịch thơ” (Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2014) anh vừa ra mắt, trong câu chuyện tôi vô cùng bất ngờ khi biết anh chính là tác giả của những câu thơ mà tôi từng chép và đọc đến thuộc làu thời sinh viên.

“Đưa người yêu qua nhà người yêu cũ/Rơi cơn mưa ban trưa/Thấy mình tách thành hai nửa/Nửa ướt bây giờ, nửa ướt xa xưa”. Bài thơ ngắn có tên “Không đề” nhưng chất chứa cả một nỗi niềm, một câu chuyện tình dang dở. 

Năm 1971, cùng với nhiều sinh viên khác, nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha lên đường nhập ngũ, vào chiến trường đỏ lửa Quảng Trị. Thời gian đó, anh thất lạc tin với người yêu đầu tiên. Khi anh trở về, mừng vì anh còn sống nhưng đò đã sang sông. Cả hai chôn chặt mối tình vào câm lặng. - Đây là sự khốc liệt của chiến tranh, anh nói. Tôi ngồi lặng nghe anh kể mà ngỡ như anh đang nói với chính mình.

Bài thơ đã có một xuất xứ thật đặc biệt, mà tôi đã từng viết vào cuốn sổ tay, giống như cái thú sưu tầm thơ tình của nhiều học trò khác.

Chú thích ảnh
Ảnh: HL

Một lần khác nữa, khi tôi gặp hoạ sĩ Nguyễn Thị Hiền, trưởng nữ của nhà văn Kim Lân, trong khi trò chuyện, được chị đọc thơ của nhà thơ tài hoa bạc mệnh Lưu Quang Vũ viết tặng, mà thấy rưng rưng. Trong quán cà phê đầu đông trên đường Lý Thường Kiệt gần cơ quan tôi, khi đọc thơ Lưu Quang Vũ mắt chị đỏ hoe:

“Mái nhà nâu nhấp nhô/Trong khói mờ ẩn hiện/Cây bàng cao lá tím/Ướt nhoà sương ngã ba/Nhìn nhau không thể xa/Đèn mùa đông vụt tắt/Màu áo em đỏ rực/Cháy sau vòm cửa đêm/Giờ anh như con thuyền/Bốn bề lên sóng vỗ/Xô dạt về tựa ngủ/Trên rộng dài bến em/Em chiếm hết anh rồi/Những cánh đồng trắng xoa/Những ngả đường đói lả/Và giấc mơ sau cùng”. (Thơ tình viết về một người đàn bà không có tên). 

Sau này, một lần cùng chị trở về ngôi nhà xưa trong xóm Hạ Hồi (trên đường Quang Trung, Hà Nội), từ dưới nhìn lên khung cửa ngày xưa, chị không khỏi bồi hồi. Tôi cũng có thể hình dung hai người chờ đợi nhau trong đêm đông thế nào. Cây bàng mùa đông lá tím năm nào vẫn còn ở đó, mối tình dang dở vẫn sâu trong trái tim và những vần thơ vẫn là kỷ niệm khôn nguôi. 

Bài thơ chị đọc, tôi cũng nhẩm thuộc rất nhanh. Không còn cuốn sổ năm nào để tôi chép tiếp những bài thơ tình, cuốn sổ ấy đã theo tôi suốt những năm cấp ba và đại học nhưng bị thất lạc trong một lần tôi chuyển nhà trong thời gian làm việc ở TP Hồ Chí Minh. Sau này đi làm, có thể do hết tuổi mơ mộng rồi nên tôi không còn chép thơ tình. Nhưng cuốn sổ đã mất thì tôi vẫn tiếc ngẩn tiếc ngơ, vì có bao kỷ niệm của bạn bè ở đó.

Không biết vì sao nhưng cánh học trò ngày trước rất hay chép thơ tình vào sổ tay, nhiều đứa cầu kỳ còn tô vẽ chữ, vẽ hoa lá, vẽ trái tim trang trí cho trang thơ. Trong những thứ lãng mạn thời xa xưa ấy, có cả những trang giấy màu tím, ép cánh phượng hồng, ép cả những con bướm rực rỡ sắc màu. 

Những bài thơ không thể thiếu trong ngăn cặp học trò như: Tôi yêu em (thơ, Puskin), Ghen (Nguyễn Bính); Yêu (Xuân Diệu); Thơ tình cuối mùa thu (Xuân Quỳnh); Hai sắc hoa tigôn (T.T.Kh);… 

Gì chứ, những câu thơ thế này thì bao chàng và nàng không thể không chép vào sổ: “Yêu là chết ở trong lòng một ít/Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu” (Yêu, Xuân Diệu) (sau này cánh sinh viên hay chế thành “Yêu là mất ở trong nhà một ít”- ý nói đến khoản “tình phí”, một khoản không hề nhỏ với cánh sinh viên). 

Hay “Cô nhân tình bé của tôi ơi!/Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười/Những lúc có tôi và mắt chỉ/Nhìn tôi những lúc tôi xa xôi” (Ghen, Nguyễn Bính).

Rồi: “Tôi yêu em đến nay chừng có thể/Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai/Nhưng không để em bận lòng thêm chút nữa/Hay hồn em phải gợn sóng u hoài” (Tôi yêu em, Puskin);…

Và còn nhiều nhiều nữa những câu thơ tình mà cánh học trò chép vào sổ, thể như thơ đang nói hộ lòng mình, đúng với mình quá và hay quá đi. Chép vào làm kỷ niệm, thỉnh thoảng mở ra đọc. Chép cho mình, rồi chép cho cả bạn, nhiều chàng “mượn thơ” để “thay lời muốn nói” với cô nàng mình yêu quý. Lạ là, cánh học trò chép thơ, rồi đọc thơ nhưng có khi cũng không biết tác giả của bài thơ ấy là ai. Tôi còn nhớ hồi cấp ba, tụi bạn hay lẩm nhẩm: “Vô tình anh gặp em/Rồi vô tình thương nhớ/Đời vô tình nghiệt ngã/Nên chúng mình yêu nhau”; hay “Một chút tên tôi đối với nàng/ Sẽ chìm như tiếng sóng buồn tan/Âm thầm mòn mỏi bên bờ vắng/Như tiếng đêm thâu lạc giữa ngàn”, nhưng hỏi thơ ai đấy thì cả bọn đều lắc đầu không biết, bảo là thích thì sưu tầm thôi.

Tôi cũng từng có câu trả lời ngô nghê thế. Trong số những bài thơ tình từng chép, tôi rất bài thơ “Sao anh không đi đi”. Bài này tôi cũng chép vào sổ từ ngày còn học cấp ba, thích thì cứ chép thôi, chứ thú thực lúc chép thơ cũng không biết tác giả. Tôi ơi là tôi, đúng là học trò mít ướt mơ mộng đâu đâu.

Tôi thấy bài thơ này tài tình lắm. Không ít người nói, con gái thường hay nói ngược, nghĩa là nghĩ có nhưng nói không, vẫn nhớ (ai đó) nhưng lại bảo quên, nói chung là rất rắc rối. Tất nhiên, tụi con gái không khi nào lộ ra hay thể hiện ra, càng không bao giờ nhận mình “nói ngược”. Ấy vậy mà, không ít người đi chép bài thơ thể hiện cái “nói ngược” tài tình ấy:  Em bảo anh đi đi/Sao anh không đứng lại?/ Em bảo anh đừng đợi/ Sao anh vội về ngay? Đấy, bảo “anh đi đi” rồi lại thắc mắc “sao anh không đứng lại”, bảo “anh đừng đợi”, rồi ngay sau đó hỏi “sao anh vội về ngay?”. Là dỗi hờn đó thôi, chứ thực lòng thì không phải cô nàng muốn thế. 

“Lời nói thoảng gió bay/Đôi mắt huyền đẫm lệ/Mà sao anh dại thế/ Không nhìn vào mắt em”… Rõ cả rồi nhé, hãy nhìn vào mắt em, nói thật hay không thì cứ nhìn vào “cửa sổ tâm hồn” ấy là biết ngay. Tình yêu kỳ lạ là thế, không ai có thể hiểu mình bằng chính mình, và anh hãy để ý mà xem. Tôi rất thích bài thơ này, ở đó có một chút giận, một chút dỗi, nhưng là yêu thương cả đấy mà thôi. 

Nhưng bài tôi thích hơn cả là bài “Đôi dép”, bài thơ này mãi sau này tôi mới đọc, cũng không biết tác giả, vài lần tra google (cái gì không biết thì tra Google, từ khi có Internet thì tiện thế đấy) thì thấy ghi người sáng tác là Nguyễn Trung Kiên. Bài thơ mở đầu thật ấn tượng, như thủ thỉ, tâm sự nhưng rất đỗi mạnh mẽ, một cách nói về nỗi nhớ rất hay: “Bài thơ đầu tiên anh viết tặng em/Là bài thơ anh kể về đôi dép/Khi nỗi nhớ trong lòng da diết/Những vật tầm thường cũng viết thành thơ”. Tỏ tình như thế, tôi dám chắc, trái tim ai tựa đá cũng có thể tan chảy!

Bài thơ nói về sự gắn kết, khăng khít của một vật dụng hẳn ai cũng có. Cái tài tình ở đây là người viết thể hiện sự gắn kết khăng khít vốn hiển nhiên nhưng gắn bó đi đâu cũng có nhau, yêu thương biết nhường nào: “Hai chiếc dép kia gặp nhau tự bao giờ/Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước/Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược/Lên thảm nhung, xuống cát bụi cùng nhau”.

Và khi hai chiếc dép được ghép đôi hiển nhiên ấy được ví như hai mảnh đời, khi một chiếc mất đi, chỉ còn một “là không còn gì hết”, thì cảm xúc cũng như vỡ oà, tan ra, cũng giống như tình yêu còn ý nghĩa gì nếu một người ra đi; thì bài thơ đã được nâng lên, ý nghĩa vô cùng, lớn lao vô cùng.
“Hai mảnh đời thầm lặng bước song song
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một là không còn gì hết
Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia
!”

Đã lâu lắm rồi tôi không đọc thêm bài thơ tình nào, cũng không chép thơ tình nữa. Lần gần đây nhất, bài thơ tôi có thể nhớ là bài “Gọi” của nhà thơ Hữu Việt khi tôi nghe được trong một bộ phim truyền hình dài tập. “Lúc nào thấy nhớ/Thì gọi cho anh/Hãy gọi cho anh/Cả khi không nhớ…/Có một con đường/ Gọi là quá khứ/Có một lọn gió/Gọi là tóc bay/Có một người say/Một người mắt ướt/Có một lỡ bước/Gọi là đến sau/Có một mưa mau/Rụng rời quán nhỏ/Có một ngõ cỏ/Cho nụ hôn đầu…”. 

Và tôi lại tiếc cuốn sổ thơ ngày nào, nếu còn cuốn sổ ấy, biết đâu tôi sẽ chép thêm vài bài thơ. Chẳng để làm gì, chỉ thỉnh thoảng lại lấy ra đọc. Những vần thơ ngày nào chẳng phải là một phần trong cuộc đời, là kỷ niệm đẹp trong ngăn cặp đó sao.

Hoàng Linh/Báo Tin tức
Chỉ có thể là học trò
Chỉ có thể là học trò

Những ai từng ngồi trên ghế nhà trường hẳn ít nhất một lần tham gia hoặc chứng kiến trò nghịch ngợm “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN