Thời sinh viên ngày trước có lẽ không ai không biết bài hát “Xe đạp ơi” của nhạc sĩ Ngọc Lễ. Bài hát này cũng được cặp đôi ca sĩ Phương Thảo-Ngọc Lễ biểu diễn nhiều lần và hớp hồn cánh sinh viên. Mỗi lần nghe tiếng ghi ta của Ngọc Lễ và tiếng đàn phụ hoạ của Phương Thảo cất lên, kể cả bây giờ, tôi đều thấy trong lòng nao nao, nhớ về thời sinh viên với chiếc xe đạp cà tàng.
“Nhớ khi xưa anh chở em trên chiếc xe đạp cũ/Áo ướt đẫm mồ hôi những trưa hè/ Nhớ khi xưa bao mộng mơ, trên chiếc xe đạp cũ/Dưới cơn mưa cùng nhau dắt qua cầu...”.
Học sinh, sinh viên thập niên tám mươi, chín mươi của thế kỷ hai mươi hầu hết đi xe đạp. Xe đạp với chúng tôi hồi đó là cả một khối tài sản, khối tài sản đúng nghĩa.
Vùng đồng chiêm trũng quê tôi, học sinh cấp một, hai đương nhiên đi xe căng hải (xe hai cẳng - đi bộ). Khi học cấp ba trường huyện, nhà nào kha khá thì sắm xe đạp cho con đi học, còn lại hầu hết vẫn đi bộ. Có anh chị nhà cách trường cả chục cây số, phải qua cầu phao dập dềnh, ngày mưa cũng như ngày nắng, đều cuốc bộ đến trường.
Lớp tôi vài bạn có xe đạp Thống Nhất, thế đã oách lắm rồi. Số ít ỏi đi xe đạp Phượng Hoàng nhưng đã cũ, chỉ duy nhất có bạn đi chiếc xe đạp Phượng Hoàng màu xanh lá cây mới toanh. Mua xe này khi ấy phải hết hai chỉ vàng. Đi con xe đẹp đẽ vững chắc ấy, cậu chàng mỗi lần có cơ hội chở bạn gái phía sau đều không khỏi hãnh diện. Vòng quay xe đạp bon bon trên đường quê, còn chàng hẳn rất tự tin, gương mặt rạng rỡ nụ cười còn trái tim thì như đang khe khẽ hát lên.
Còn lại, đa phần tụi bạn đi xe đạp không chuông, không phanh, xe không gác đờ bu. Tụi tôi khi đó vẫn đùa nhau là “đi xe cởi truồng”. Mỗi lần tụi tôi rủ nhau đi chơi, cánh đạp xe không chuông không phanh ấy khi đang bon bon trên đường mà muốn dừng lại thì đều phải phối kết hợp tay-chân-miệng. Tay ghì chặt ghi-đông, hai chân đi dép xệt xuống mặt đường thay phanh, còn miệng thì hét to: “Dừng, dừng” thay chuông. Có lần thằng bạn tôi quên béng đang đi xe đạp trên đường nhựa, nó hét: - Họ, họ! (làm như đang đi cày ruộng không bằng), khiến cả lũ cười bò.
Năm học lớp 12, nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5, được nghỉ học, chúng tôi rủ nhau đạp xe vào rừng Cúc Phương ở Ninh Bình, coi như dịp đi chơi cuối cùng để chuẩn bị cho một mùa hè bận rộn thi tốt nghiệp và thi đại học. Từ trường học ở một huyện thuộc Hà Nam, huyện giáp Ninh Bình, chúng tôi đạp xe theo Quốc lộ 1A đi qua cầu Gián Khẩu, chừng trên dưới bốn chục cây số thì tới rừng Cúc Phương. Nhưng vì đi muộn nên đến cửa rừng thì trời đã về chiều, dông gió bất chợt nổi lên nên chưa ngắm nghía được gì thì cả lũ lại hối hả quay về. Lúc ra, xe đạp đổ dốc, con dốc cao và ngoằn ngoèo, phía dưới là sông sâu, hai thằng bạn tôi cưỡi trên con xe không phanh, la hét váng trời. Cho đến tận bây giờ, khi kể lại chuyến đi nhớ đời ấy, thằng bạn tôi vẫn bảo: -Đi hết con dốc, xuống tới nơi tao mới biết mình còn sống.
Đến khi học đại học, phương tiện chính của chúng tôi vẫn là xe đạp. Nhà xe của các trường đại học bạt ngàn xe đạp của sinh viên, xe máy chỉ lác đác. Không như bây giờ, sinh viên chủ yếu đi xe máy các loại, hoặc đi xe đạp điện, hoặc là xe buýt. Trên đường tôi đi học về, từ trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) đối diện với khu Cao-Xà-Lá (Nơi này ngày ấy có 3 nhà máy lớn gồm Cao su, Xà phòng, Thuốc lá. Ngày nào đi học tôi và lũ bạn cũng ngửi thứ mùi hỗn hợp khó tả ấy), qua Ngã Tư Sở rẽ phải vào đường Trường Chinh rồi ngoặt vào Vương Thừa Vũ, rẽ qua Nguyễn Ngọc Nại, cũng có cả trăm chiếc xe đạp đi cùng trông như một dòng sông xe. Khi ấy, chú tôi trêu: - Ngày nào đi học, cháu cũng có bao nhiêu người đi theo nhỉ. Tôi đỏ bừng mặt, cãi lấy cãi để: - Cháu làm gì có ai. Chú tôi cười khì: - Thì ngày nào ra khỏi cổng trường, chả có hàng trăm đứa đi sau còn gì. Tôi ngơ ngác rồi chợt hiểu ra, mủm mỉm cười trừ.
Học đại học, tôi được mẹ mua cho chiếc xe đạp mini Trung Quốc giá ba trăm nghìn đồng. Chiếc xe là cả một niềm hãnh diện vì để có thể mua được chiếc xe đạp ấy phải tích cóp ba tháng học bổng toàn phần (trường tôi học bổng toàn phần khi ấy khoảng 120.000 đồng/tháng). Lương giáo viên cấp ba của mẹ tôi khi ấy cũng chỉ chừng bốn trăm nghìn đồng một tháng. Con xe ấy đã cùng tôi tới trường mỗi ngày và rong ruổi khắp nơi.
Cứ cuối tuần, lớp tôi lại hẹn nhau, đứa từ Đại học Kiến trúc dưới Hà Đông, đứa từ Đại học Phương Đông, Đại học Luật, Đại học Khoa học Tự nhiên (cạnh trường tôi)… đạp xe rồng rắn tụ về khu Đại học Sư phạm ở Cầu Giấy (lớp tôi tụi bạn học Đại học Sư phạm và Cao đẳng Sư phạm là nhiều nhất). Có đứa học Cao đẳng Phát thanh-Truyền hình (lúc đó ở Hà Tây) cũng đạp xe về Hà Nội. Rồi tất cả bằng ấy đứa, bằng ấy cái xe đạp, lại guồng sang Đại học Tài chính (nay là Học viện Tài chính), ăn với nhau bữa cơm bụi rồi lại rồng rắn đạp xe quay ra. Có khi đi bằng ấy nơi xong, lại rủ nhau đạp xe ra đường Thanh Niên, ngắm hoàng hôn Hồ Tây, xe đạp dựng tựa vào ghế đá, nhìn lãng mạn vô cùng.
Nhưng cũng có lúc, chị em tôi đánh mất tài sản quý giá đó. Một lần, hai chị em tôi ngồi ăn cơm trưa, quay lưng ra sân. Dãy nhà trọ có bốn nhà, nhà tôi thứ hai từ cổng vào. Mỗi phòng trọ chừng mười mét vuông, nhìn ra cái sân bé xíu bề ngang chỉ chừng hai mét. Ấy thế mà chỉ trong nháy mắt cái xe đạp của em trai tôi không cánh mà bay. Giữa trưa im vắng, tuyệt nhiên không nghe thấy bất cứ tiếng động nào, cổng sắt vẫn im ỉm đóng. Chị em tôi lao ra ngoài đường trong hoảng hốt, các con ngõ dẫn vào khu nhà trọ không một bóng người. Mọi người trong dãy nhà cũng túa ra, không ai có thể làm gì hơn được. Khu này đang xây dựng, dân các tỉnh đổ về nhiều, có cả những tên nghiện. Thôi, của đi thay người. Bố tôi mua một chiếc xe đạp khác cho em, không quên dặn con phải cẩn thận, đừng để mất xe nữa.
Ấy thế mà, chỉ vài tháng sau, lại một vụ mất trộm khác xảy ra. Tháng sáu, cao điểm ôn thi cuối kỳ, hai chị em tôi và nhỏ bạn tôi học bài tới khuya. Hai giờ sáng mới cất ba cái xe đạp vào nhà vì phòng trọ chật chội. Chúng tôi lèn ba cái xe sát nhau giữa hai cái giường một. Tôi và nhỏ bạn nằm một giường, em trai tôi nằm một giường. Sau bữa cơm tối, chậu bát chưa kịp rửa, tôi để ở phía cuối xe.
Xong xuôi thì tôi cài chốt cửa, nhưng cả ba chưa tắt điện ngủ ngay mà còn nằm đọc sách thêm một chút. Nhưng rồi thế nào, cả ba đứa cùng ngủ lúc nào không hay. Khoảng ba rưỡi sáng, tôi chợi tỉnh giấc. Đèn điện trong nhà vẫn sáng trưng. Điều đầu tiên tôi nhận ra là khoảng trống to đùng giữa hai cái giường. Tôi định thần lại, rõ ràng là đã dắt ba cái xe đạp vào nhà rồi mà, sao bây giờ lại thế.
Hốt hoảng, tôi gọi bạn và em trai dậy. Chúng cũng ngơ ngác và sợ hãi như tôi đang cảm thấy. Trộm. Thì ra chúng tôi quên khoá cửa, bọn trộm đã thò tay qua lỗ cửa và kéo chốt (cửa nhà trọ khoét một lỗ to đủ lọt bàn tay để có thể đứng ngoài để khoá cửa từ bên trong). Nhưng sao chúng có thể lôi ba cái xe đạp ra mà không gây ra bất cứ tiếng động nào?
Ba đứa tôi mở cửa lao ra ngoài, cái chậu bát lúc trước ở trong nhà đã bị bọn trộm bê ra để ở sân. Cổng khu trọ im ỉm đóng. Cả ba chúng tôi yếu ớt kêu lên: -Trộm, trộm các anh chị ơi. Nhưng khi các nhà khác trong khu trọ đổ hết ra sân đứng thì bọn trộm chắc là cao chạy xa bay từ lúc nào. Mà có khi, lúc này chúng đang ở trong màn đêm đen đặc ngoài kia và cười vào mặt lũ sinh viên đểnh đoảng bọn tôi cũng nên.
Tức giận và cả sợ hãi, người tôi run lên. Mai đi học bằng gì? Ba đứa tôi khóc không thành tiếng.
Những ngày sau, tôi đi học tạm cùng đứa bạn thân ngồi cùng bàn, nhà nó gần khu tôi trọ. Hàng ngày nó đi xe đạp qua đón, học xong lại chở về. Thằng em tôi cũng tạm thời đi nhờ bạn, rồi từ từ nghĩ cách nói với bố tôi. Hai cái xe mất cách nhau chưa đầy ba tháng, biết nói thế nào được chứ! Nhỏ bạn tôi sau kỳ thi đó thì chuyển trường khác, năm học mới chuyển vào ký túc xá nên không cần mua xe đạp nữa.
Còn tôi, sau đó vài tuần, khi chú tôi ghé thăm, biết chuyện nên đã lẳng lặng mua cho tôi một chiếc xe đạp mini khác. Trong thời gian đó, ngày nào tôi cũng đứng trước cửa nghêu ngao hát: “Xe đạp ơi, đã xa rồi còn đâu/ Mối tình thơ thoáng như một giấc mơ/Xe đạp ơi, những vất vả ngày ấy/ Cho lòng tôi nhớ thương hoài chẳng nguôi…”. Các anh chị phòng trọ kế bên nhìn tôi cười, tôi cũng cười đáp lại bằng nụ cười meo méo.
Sau này, trong thời gian đầu đi làm ở TP Hồ Chí Minh, tôi vẫn đi xe đạp. Ngày ngày, tôi đạp xe trên con đường dài, có lần bị lạc, nhìn bản đồ mà không xác định được phương hướng xuôi ngược. Trong cái nắng chang chang của mùa khô phương Nam, tôi lại nhớ về những ngày hè rực lửa và mùa đông rét mướt của miền Bắc, trên chiếc xe đạp tới trường, tôi nhỏ bé lẫn trong dòng người ngược xuôi của con đường lúc nào cũng ken cứng người - đường Nguyễn Trãi - ám ảnh tắc đường, cho đến bây giờ càng tắc.