Phần lớn lũ học trò trong làng thiếu áo ấm, mùa đông nhiều đứa vẫn phong phanh manh áo mỏng, môi tím lại. Hầu hết không đi tất, có đứa còn đi chân đất. Có ngày rét quá, bọn học trò mang theo nùn rơm đang âm ỉ cháy tới lớp. Chiếc nùn rơm được bện chặt, ngọn lửa nhen lên khi vài cái đầu chụm lại thổi phù phù.
Áo len hồi đó không phải đứa nào cũng có, để có thể ấm hơn, lũ trẻ có bao nhiêu áo mặc tất vào người. Mỗi khi cởi ra, cứ như bóc củ hành mà vẫn không đủ ấm. Áo chị mặc ngắn thì nhường lại cho đứa em, những chiếc áo cũng thêm tuổi, thêm cả những miếng đệm vá khi những đứa trẻ dần lớn lên.
Trong những căn nhà vách mỏng, nhiều nhà tường trát bằng bùn non lỗ chỗ thủng, gió rít qua kẽ hở. Nơi ấm áp nhất chính là căn bếp với lỉnh kỉnh đủ thứ xoong nồi, ổ gà đang ấp, những bó củi tích trữ cho ngày mưa. Vài túm hành khô, vài dây ngô treo lủng lẳng sát tường. Rơm được đẩy vào bếp bằng que cời sắt, ngọn lửa liếm nhanh nuốt chửng từng nắm rơm khô. Trên bếp, nồi cơm sôi, lũ trẻ khoái nhất khi được mẹ chắt cho bát nước cơm, thêm chút đường, ngoáy tan rồi uống bát nước sánh mịn thơm ngậy ấy. Cái bụng ấm lên còn hai má thì ửng hồng trong hơi ấm bếp lửa.
Nhưng khoái nhất nhưng cũng khá cầu kỳ lúc đó, là có quả cà chua, khía ra làm bốn, xúc mấy thìa đường rắc lên rồi cho vào nồi cơm hấp. Cơm chín cũng là lúc quả cà chua đã ngấm đường, mềm ngọt, ăn thì không còn gì thích bằng. Vị ngọt quyện với vị chua rất trọn vị của cà chua khoái vô cùng. Cũng trong căn bếp ấy, trong mùa đông rét mướt, khi ngoài trời mưa giăng, ngồi bên bếp lửa rồi ôm con mèo mướp trong lòng, thì ôi chao ấm áp vô cùng. Có thể cứ ngồi như thế cả buổi, cho đến khi nghe tiếng mẹ gọi giục đi ngủ.
Ngày đông của lũ trẻ còn là những buổi băng đồng, tràn xuống bãi ruộng trồng cây vụ đông. Những bắp ngô non bẻ về cho ngay vào nồi luộc. Nước ngọt lịm, từng hạt ngô mềm dẻo trước những đôi mắt tròn xoe chờ đợi. Vài củ khoai lang, khoai tây vùi vào bếp rơm trong khi nấu bữa cơm chiều cũng khiến lũ trẻ xuýt xoa. Thời nghèo khó, ăn cái gì cũng thấy ngon lành (không như bọn trẻ bây giờ nhìn thấy ngô khoai sắn cứ dửng dừng dưng).
Nhưng cái rét cũng khiến lũ trẻ con ghét lắm. Trời đông lạnh khô hanh, da dẻ bắt đầu căng lên, ban đầu thấy hồng hào nhưng sau đó là nứt nẻ, môi khô có thể chảy máu, da mặt căng rất khó chịu. Khi ấy, kem bôi nẻ là thứ gì đó rất xa xỉ. Đứa có lọ kem bôi nẻ mùi thơm thơm thì tự hào lắm, mặt thể như vênh lên, thân lắm mới cho dùng chung. Tôi không có lọ kem đó, mẹ tôi nghĩ ra một cách (mà nhiều nhà khi ấy cũng làm vậy), lấy mỡ gà dán lên, để đông lại vàng ươm rồi bôi môi bôi mặt. Tôi không thích cái vị ngậy ngậy (có thể dụ kiến bò lên người), cảm giác mỡ béo trên mặt và thường thì nín thở khi bôi, nhưng cách này rất hiệu quả. Da dẻ mềm mại, hết căng rát nứt nẻ.
Ngày đông thời chưa có nước rửa bát với đủ vị (chanh cam xả) như bây giờ, thò tay vào nước lạnh căm căm, để rửa sạch bát đũa cần đun một nồi nước nóng to đùng để nhúng và tráng bát. Ngại nhất là khi rửa xoong nồi đun rơm củi muội bám đen xì, mùa đông ngón tay nứt nẻ, nhọ nồi bám vào không có cách nào rửa sạch.
Nhưng ngày đông, trong cái rét tê người, nhất là ngày Tết lũ trẻ ngồi chơi tam cúc, đứa thua sẽ bị quệt nhọ nhồi, thì chúng tôi lại khoái trá khi chọn cái nồi đầy muội đen xì mà có dính mỡ để bôi. Nhìn mặt đứa bạn đen nhẻm bóng lên khó có thể rửa sạch, cả lũ thích chí cười bò lăn. Đến bây giờ, khi mùa mùa đông không còn là nỗi sợ (bị rét), mỗi khi nhớ lại những khuôn mặt bị bôi nhọ nồi ấy, tôi vẫn không thể không cười thành tiếng.
Ôi, những mùa đông rét mướt năm nào, rét lắm nhưng chẳng phải để lại nhiều dư vị lắm sao.