Vận động để tác động vào 'giai đoạn vàng' tăng chiều cao tối đa cho trẻ

Theo Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT), trẻ em có hai giai đoạn phát triển thể chất vượt trội là giai đoạn 1.000 ngày đầu đời (từ khi trẻ được mang thai đến 24 tháng tuổi) và giai đoạn tuổi dậy thì. Hai giai đoạn này nếu trẻ được cung cấp đầy đủ dưỡng chất và có môi trường sống lành mạnh thì sẽ đạt được chiều cao tối ưu.

Chiều cao chịu ảnh hưởng mạnh của các yếu tố: di truyền, giấc ngủ, môi trường, dinh dưỡng, vận động… Trong đó, chế độ ăn quyết định tới 32% chiều cao của trẻ.

Chú thích ảnh
Ngoài tăng cường dinh dưỡng, cần khuyến khích và tăng cường các hoạt động vận động, TDTT để trẻ phát triển chiều cao tối đa. Ảnh: TTXVN

Cần bổ sung các thực phẩm giàu canxi như sữa, cua, ốc, tôm, tép, cá nhỏ… ăn nhiều thực phẩm giàu lysin (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ, rau dền, sữa bổ sung sắt, tăng hấp thu sắt bằng vitamin C có trong rau, củ, quả, trái cây), thực phẩm giàu chất kẽm (hàu, sò, gan heo, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành…), thực phẩm giàu I ốt (muối I ốt, phomai, trứng gà, sữa, cá biển, rau câu, tảo…)

Nên sử dụng muối I ốt trong chế biến thức ăn cho trẻ bởi đó là nguyên tố tạo nên nội tiết tố truyến giáp, tác động lên nhiều hoạt động của các bộ phận trong cơ thể, thúc đẩy sự tăng trưởng chiều cao ở trẻ; Sữa đảm bảo nhu cầu canxi giúp xương phát triển vững chắc và giúp phát triển chiều cao.

Canxi được cơ thể hấp thụ rất tốt từ sữa (cần từ 500-600ml mỗi ngày).

Sau 2 tuổi, tốc độ tăng trưởng của trẻ không quá nhanh khoảng 6,2cm mỗi năm, mật độ xương cũng tăng lên khoảng 1% một năm ở cả bé trai và bé gái. Vì vậy, bên cạnh chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, trẻ cũng cần được tăng cường các hoạt động vui chơi, vận động. Cả hai yếu tố này kết hợp lại sẽ tiếp tục hỗ trợ cho sự phát triển chắc khỏe của xương là tiền đề cho sự phát triển chiều cao ở lứa tuổi dậy thì.

Chiều cao người là một trong những yếu tố thể hiện bên ngoài rõ nét nhất về tầm vóc, thể trạng con người. Trong đó, chỉ số chiều cao và cân nặng có liên quan rất nhiều đến đời sống vật chất (dinh dưỡng) và hoạt động cơ bắp thích hợp ở từng lứa tuổi.

Theo kết quả nghiên cứu thử nghiệm chỉ số thể chất (PQ), là một phương pháp tính chỉ số thể chất và vui chơi được thực hiện tại Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam cho thấy: trẻ em Việt Nam có chỉ số thể chất đứng thứ 3 trong 4 nước. Trẻ em Thái Lan có chỉ số cao nhất nhờ việc thường xuyên được tham gia vào các hoạt động vui chơi, TDTT, vận động ngoài trời. Ngoài ra, trẻ em Nhật Bản và Thái Lan còn cân bằng được khoảng thời gian dành cho học tập và các hoạt động vui chơi, giải trí.

Cụ thể, đa số trẻ em Thái Lan và Nhật Bản sử dụng thời gian học thêm cuối tuần từ 1 – 3 giờ còn ở Việt Nam trên 90% trẻ em sử dụng từ 4 - 6 giờ. Và thời gian còn lại, có đến trên 65% trẻ em Việt Nam sử dụng thời gian rảnh cuối tuần để xem tivi, chơi điện tử… chứ ít tham gia các hoạt động vận động, TDTT.

Vận động thể lực sẽ kích thích việc chuyển hóa năng lượng, trao đổi chất, tăng cường việc chuyển hóa canxi vào mô xương, giúp xương chắc khỏe hơn. Nếu không kết hợp với vận động trẻ khó có thể đạt được chiều cao tối đa. Vì vậy, nhà trường và các bậc phụ huynh cần phối hợp để tạo thói quen tập luyện TDTT, vui chơi vận động hằng ngày cho trẻ sao cho vừa sức, phù hợp với thể trạng và thời gian học tập văn hóa của các em.

Giai đoạn vàng mang tính quyết định tăng chiều cao của trẻ

1.000 ngày đầu đời được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh là giai đoạn vàng phát triển chiều cao và thể chất. Trẻ có thể tăng 25cm trong năm đầu tiên và 10cm mỗi năm trong 2 năm tiếp theo, nếu được bổ sung dinh dưỡng đúng và đủ. Đây là giai đoạn quyết định đến 60% khả năng tăng trưởng chiều cao của trẻ trong tương lai.

Giai đoạn trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi đạt tốc độ phát triển nhanh nhất so với mọi giai đoạn khác. Trẻ có cân nặng gấp đôi cân nặng sơ sinh trong vòng 4 - 5 tháng đầu và gấp 3 lần cân nặng sơ sinh vào cuối năm thứ nhất. Đến ngày sinh nhật đầu tiên của trẻ, chiều dài nằm (tức là chiều cao của trẻ) đã tăng gấp rưỡi so với chiều dài khi sinh.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, giai đoạn trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng cao nhất là từ 12 - 24 tháng tuổi, và tỷ lệ suy dinh dưỡng giữ ở mức cao cho tới 60 tháng (5 tuổi).

Những trẻ bị suy dinh dưỡng trong 2 năm đầu của cuộc sống sẽ bị ảnh hưởng đến phát triển thể lực, đặc biệt là chiều cao của trẻ ở tuổi vị thành niên. Sự phát triển trí não của những trẻ này cũng sẽ kém hơn những trẻ khác.

Trẻ dưới 2 tuổi cũng là giai đoạn diễn ra sự chuyển tiếp về nuôi dưỡng (ăn dặm và sau đó dần chuyển sang ăn bữa ăn cùng gia đình), đồng thời là giai đoạn trẻ dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt là tiêu chảy và viêm đường hô hấp. Do vậy, trong giai đoạn này trẻ cần được chăm sóc cẩn thận hơn.

Ngày nay có nhiều phương pháp để dự báo chiều cao tối đa của trẻ, trong đó nổi bật là: dự báo theo tuổi xương, số đo bàn chân, chiều cao của bố mẹ. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những phương pháp để tham khảo, còn quá trình gia tăng chiều cao của trẻ lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố và đôi lúc nó diễn ra nhanh hay chậm lại tùy thuộc vào từng cá nhân trẻ. Do đó, việc làm tốt nhất của các bậc phụ huynh giai đoạn này là giúp trẻ tăng cường vận động và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ.
Minh Thy/Báo Tin tức
Cẩn trọng với các sản phẩm tăng chiều cao cấp tốc
Cẩn trọng với các sản phẩm tăng chiều cao cấp tốc

Để mong con nhanh cao lớn, nhiều cha mẹ đã tự tìm mua các sản phẩm thực phẩm chức năng tăng chiều cao cấp tốc mà không biết lợi hay hại. Theo các bác sĩ, cha mẹ cần tỉnh táo để bổ sung các chất dinh dưỡng cho con; quan trọng nhất vẫn là chế độ ăn uống và luyện tập khoa học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN