Về tình huống này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Với những người mắc dịch COVID-19 mà không có triệu chứng bệnh vẫn có nguy cơ làm lây lan bệnh ra cộng đồng.
Vì sau khi nhiễm vi rút SARS-CoV-2 khoảng 3-4 ngày, người bệnh có thể vô tình làm lây bệnh ra cộng đồng, đặc biệt là khoảng từ ngày thứ 5-6 là đỉnh cao của lây nhiễm bệnh.
Người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 có thể không có triệu chứng và không biết mình nhiễm lúc nào; dù không ho, nhưng khi người bệnh nói chuyện, hắt hơi... làm bắn nước bọt ra xung quanh, tiếp xúc nhiều người dễ lây mầm bệnh, từ đó có thể truyền bệnh cho người khác.
Có tới 80% trường hợp mắc dịch COVID-19 ở thể nhẹ, không có dấu hiệu bệnh, 20% còn lại là có biểu hiện nặng hơn.
Vừa qua, Việt Nam có những người phát hiện dương tính với vi rút SARS-CoV-2, được đưa vào bệnh viện điều trị nhưng vẫn không có dấu hiệu gì. Theo các nghiên cứu mới nhất, các ca mắc dịch COVID-19, nhất là trẻ em là đối tượng có thể bị nhiễm nhưng thường không có dấu vết, triệu trứng của bệnh, những đối tượng biểu hiện nặng chủ yếu là người già, người có bệnh nền như: Đái tháo đường, huyết áp, tim mạch…
Hiện tại Hà Nội đã có các điểm xét nghiệm nhanh sẽ giúp phát hiện sớm các ca ngẫu nhiên trong công đồng, từ đó có thể ngăn chặn bệnh lây lan.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, bên cạnh việc sàng lọc, việc đeo khẩu trang cũng rất quan trọng. Đeo khẩu trang đảm bảo người mang mầm bệnh sẽ không lây cho người khác. Vì vi rút SARS-CoV-2 nằm trong nước bọt, trong những giọt bắn ra khi người bệnh ho, nói chuyện. Do đó, nếu người bệnh sử dụng khẩu trang sẽ ngăn được nguy cơ đó. Vì vậy, người dân nên làm đúng theo khuyến cáo là đeo khẩu trang đúng cách, đứng cách xa nhau 2 mét khi giao tiếp, rửa tay thường xuyên thì sẽ ngăn chặn được sự lây lan. Khi làm đúng như khuyến cáo của Bộ Y tế, đảm bảo người dân sẽ không bị mắc bệnh.