Không phải ai cũng rõ tác dụng
Thời gian gần đây các loại thuốc, sản phẩm uống tăng đề kháng đang trở nên khá “hot” trên các trang mạng khi nhiều người có nhu cầu bổ sung để giúp trẻ có sức chống chọi với thời tiết giao mùa. Tuy nhiên việc sử dụng thế nào cho đúng, hiệu quả thì không phải ai cũng biết.
Chỉ cần đánh chữ “thuốc tăng đề kháng” trên google đã cho ra hàng nghìn kết quả, chủ yếu là các trang mạng rao bán sản phẩm tăng sức đề kháng có xuất xứ cả trong và ngoài nước. Trên các diễn đàn, nhiều người cũng truyền tai nhau công dụng của các sản phẩm và “khuyên” nhau mua về dùng mà thậm chí không cần đến thầy thuốc.
Đơn cử như gần đây người dân thường “rỉ tai” nhau mua sản phẩm thuốc chứa Interferon để tăng đề kháng cho trẻ chống lại các bệnh do vi rút với nguồn thuốc cũng khá dồi dào trên mạng.
Trường hợp này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Thực chất thuốc chứa Interferon là thuốc kháng vi rút chứ không phải tăng cường miễn dịch. Đây là thuốc được sản xuất dựa vào cơ chế khi cơ thể nhiễm vi rút sẽ tiết ra Interferon, chất này sẽ có tác dụng đẩy vi rút ra ngoài. Thêm vào đó, đây chỉ là lý thuyết còn thực tế, không phải các trường hợp nhiễm vi rút nào cũng sử dụng thuốc kháng vi rút. Đơn cử như với người mắc cúm, thuốc Tamiflu cũng chỉ có tác dụng trong 2 ngày đầu, từ ngày thứ 3 trở đi thuốc cũng không có tác dụng vì lúc đó cơ thể đã tự động tiết ra các chất để đẩy vi rút ra ngoài”.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, cụm từ “tăng sức đề kháng” đang gây sự chú ý của người dân. Tuy nhiên, ở đây cần hiểu, nhóm các bệnh nhiễm trùng do vi rút, nấm, vi khuẩn nếu tấn vào cơ thể có sức đề kháng giảm thì dễ gây hại nhưng có những bênh vẫn gây nguy hiểm dù sức đề kháng không giảm. Đặc biệt, với nhóm bệnh không phải do nhiễm khuẩn như các bệnh dị ứng do phản ứng quá mức như: Hen, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa… thì việc tăng sức đề kháng thậm chí không có ý nghĩa. Kể cả với một số bệnh suy giảm miễn dịch nhưng ko phải bệnh nào cũng cần tăng cường miễn dịch.
Phải hỏi ý kiến thầy thuốc
Trong khi đó, thực tế nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng có mặt trên thị trường được quảng cáo là tăng cường miễn dịch nhưng thực chất số sản phẩm có tác dụng tăng miễn dịch không nhiều. Nhiều sản phẩm chủ yếu là các thành phần có thể có tác dụng với sức khỏe nhưng chưa có nghiên cứu cụ thể nên không có cơ sở để đánh giá tác dụng. Tuy nhiên, cũng có những loại thuốc hoặc những sản phẩm đã được khẳng định từ lâu về khả năng tăng cường miễn dịch nhưng cũng không được lạm dụng.
Đơn cử như vitamin C được biết là nhóm có thể tăng sức đề kháng trong lúc nhiễm trùng, khi mắc các bệnh nhiễm trùng. Tuy nhiên, vitamin C đã có từ nhiều nguồn, trong thiên nhiên, thức ăn… những ai có nguồn thức ăn bổ sung tốt thì không cần thiết phải bổ sung bằng thuốc. Hay những thuốc có tác dụng như vắc xin, khi dùng có thể kích thích chống lại vi rút, vi khuẩn được chiết xuất từ chính các loại vi rút, vi khuẩn; khi uống vào cơ thể giúp tăng đề kháng nhưng cũng chỉ với từng loại bệnh nhất định chứ không phải bệnh nào cũng dùng được.
“Người dân phải hiểu kỹ từng sản phẩm để sử dụng cho đúng chứ không chỉ nghe nói chung chung là tăng cường miễn dịch là mua về vừa không có tác dụng lại tốn tiền vô ích. Trước khi muốn sử dụng thuốc gì cho trẻ, cha mẹ cần phải hỏi ý kiến thầy thuốc và chính thầy thuốc cũng phải tìm hiểu thật kỹ từng loại thuốc để hướng dẫn sử dụng cho đúng”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cảnh báo.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, việc dùng các loại thuốc tăng cường miễn dịch phải có chỉ định, tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ điều trị; không được tự ý sử dụng dù đó là các loại vitamin hay khoáng chất. Vitamin và nguyên tố vi lượng nên bổ sung bằng thực phẩm ăn hàng ngày như rau xanh, hoa quả...; chỉ bổ sung bằng thuốc khi cơ thể thiếu hụt trầm trọng, nếu dùng thừa sẽ gây rối loạn trong cơ thể. Interferon cũng chỉ dùng khi thật cần thiết và đúng thời điểm sử dụng mới có hiệu quả tăng cường miễn dịch.