Vòng đàm phán diễn ra từ ngày 23 đến 25/4 tại Honolulu do trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc Lee Tae-woo và người đồng cấp Mỹ Linda Specht chủ trì. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên của hai bên kể từ khi Seoul và Washington bổ nhiệm hai nhà ngoại giao này vào đầu tháng trước để chủ trì các cuộc đàm phán về việc xác định mức đóng góp của Hàn Quốc cho chi phí duy trì hoạt động của USFK, lực lượng gồm 28.500 binh sĩ.
Việc khởi động đàm phán diễn ra sớm hơn dự kiến, thể hiện sự nhất quán của hai nước đồng minh trong việc đẩy nhanh tiến trình đàm phán. Nền tảng cho quyết định này một phần xuất phát từ lo ngại về khả năng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người nổi tiếng với lập trường cứng rắn trong các cuộc đàm phán chia sẻ chi phí quốc phòng, có thể tái đắc cử.
Trong nhiệm kỳ của ông Trump, đàm phán về Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA) là một điểm nóng khi ông yêu cầu Hàn Quốc tăng gấp 5 lần mức đóng góp lên 5 tỷ USD cho chi phí duy trì USFK. Theo SMA mới nhất, Hàn Quốc đồng ý tăng 13,9% mức đóng góp so với năm 2019, lên 1,03 tỷ USD cho năm 2021.
SMA hiện tại sẽ hết hạn vào cuối năm 2025 sau 6 năm áp dụng. Kể từ năm 1991, Hàn Quốc đã chia sẻ một phần chi phí hỗ trợ USFK, bao gồm chi phí xây dựng cơ sở quân sự, huấn luyện, giáo dục, hoạt động, thông tin liên lạc và hậu cần.
Vòng đàm phán đầu tiên này được đánh giá là bước khởi đầu quan trọng cho việc thống nhất thỏa thuận chia sẻ chi phí quốc phòng mới giữa Hàn Quốc và Mỹ.