Theo Taras Kuzio, Giáo sư khoa học chính trị tại Học viện Mohyla thuộc Đại học Quốc gia Kiev ngày 8/11, kể từ khi cuộc xung đột với Nga bùng nổ vào năm 2022, Ukraine đã nhanh chóng chuyển mình từ một quốc gia nhập khẩu vũ khí sang một trung tâm sản xuất vũ khí trong nước. Mục tiêu của Ukraine là trở thành một "thế lực đáng gờm" trên thị trường vũ khí toàn cầu, tận dụng ngành công nghiệp quốc phòng làm lợi thế chiến lược cả về quân sự lẫn kinh tế.
Ukraine đang mở rộng năng lực sản xuất các công nghệ quân sự quan trọng như thiết bị bay không người lái (UAV), tên lửa và hệ thống robot chiến đấu tự động. Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal đã công bố vào ngày 5/11 rằng Chính phủ nước này đã khởi động chương trình cho vay ưu đãi lãi suất thấp cho các nhà sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự, nhằm ưu tiên xây dựng một ngành công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ trong nước.
Trong năm nay, Ukraine đã tăng sản lượng đạn pháo và đạn cối lên tới 25 lần. Dự kiến, sản lượng UAV hàng năm sẽ đạt 4 triệu chiếc vào năm tới. Nhìn chung, Ukraine đã sản xuất nhiều loại phương tiện quân sự, từ UAV trên không, trên biển đến các hệ thống tác chiến điện tử và thiết bị liên lạc.
Theo các nguồn tin trong nước, tổ hợp công nghiệp quân sự của Ukraine có khả năng sản xuất vũ khí và thiết bị trị giá lên tới 20 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước chỉ có thể hỗ trợ khoảng 6 tỷ USD. Bộ trưởng Công nghiệp Chiến lược Ukraine Oleksandr Kamyshin cho biết: “Xét về quy mô và chi phí, chúng tôi có hiệu quả và có khả năng sản xuất đủ, điều duy nhất còn thiếu là tài chính".
Các chính phủ và công ty phương Tây đang coi Ukraine là nơi thử nghiệm cho các công nghệ quân sự tiên tiến. Họ cung cấp thiết bị, vốn và kiến thức chuyên môn trong khi Ukraine thử nghiệm và phản hồi cũng như cải tiến dựa trên kinh nghiệm thực chiến. Theo tờ Kiev Independent, tiền tuyến hiện nay đã trở thành “cái nôi thực sự của cải tiến quân sự”. Ukraine đang dẫn đầu trong phát triển hệ thống chiến tranh robot với hơn 200 hệ thống robot quân sự khác nhau được sử dụng.
Đồng thời, nước này cũng đang nghiên cứu phát triển công nghệ vũ khí chống UAV bằng laser năng lượng cao. Nền tảng Brave1, được Chính phủ Ukraine khởi xướng vào tháng 4/2023 nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành quốc phòng, dự kiến sẽ tạo ra khoảng nửa tỷ USD cho tổ hợp công nghiệp quân sự của nước này. Kể từ khi ra mắt, Brave1 đã thu hút khoảng 3.000 công ty quan tâm hoặc đang thực hiện liên doanh với Ukraine.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các công ty khởi nghiệp quốc phòng của Ukraine cũng đang gia tăng mạnh mẽ. Dự kiến đầu tư sẽ đạt từ 5 đến 50 triệu USD vào cuối năm nay. Mỹ đã đóng vai trò chủ chốt trong việc phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine thông qua nhiều chương trình hợp tác.
Vào tháng 12/2023, chính quyền Mỹ đã tổ chức hội nghị Cơ sở công nghiệp quốc phòng Ukraine với sự tham gia của 350 công ty quốc phòng từ cả hai nước. 6 tháng sau đó, Mỹ đã ký thỏa thuận an ninh song phương với Ukraine để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này. Liên minh châu Âu cũng tham gia tích cực thông qua Văn phòng Đổi mới Quốc phòng tại Kiev, nhằm tích hợp Ukraine vào các chương trình quốc phòng châu Âu.
Hợp tác giữa Ukraine và các nước phương Tây không chỉ mang lại lợi ích cho Ukraine mà còn cho cả châu Âu. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Dmytro Klimenkov nhấn mạnh rằng việc nhận được vũ khí hiện đại trực tiếp từ nhà sản xuất sẽ giúp hiện đại hóa nhanh chóng lực lượng vũ trang của Ukraine. Đối với châu Âu, việc hợp tác này củng cố các công ty quốc phòng EU và tăng cường quyền tự chủ khỏi Mỹ. Các dự án chung giữa các công ty Ukraine và châu Âu cũng đang diễn ra mạnh mẽ.
Tóm lại, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang thực hiện những bước đi quan trọng để biến kế hoạch trở thành “kho vũ khí” của phương Tây thành hiện thực. Khi phát triển tổ hợp công nghiệp quân sự của mình, Ukraine không chỉ nâng cao khả năng tự chủ mà còn xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nước phương Tây thông qua hợp tác và đổi mới trong ngành quốc phòng.